Theo đó, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm đăng tải danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm theo quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP và văn bản pháp luật hướng dẫn. Đồng thời, chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá chi tiết đối với năng lực, kinh nghiệm của các nhà đầu tư theo quy định pháp luật.
Cục Hàng không Việt Nam chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá chi tiết đối với năng lực, kinh nghiệm của các nhà đầu tư dự án xây dựng khu bảo trì tàu bay số 1 tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Phối cảnh dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành/Ảnh minh họa/TTXVN. |
Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam cũng cần khẩn trương trình kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo đảm bảo quy định, đặc biệt lưu ý các nội dung đã được nêu tại Báo cáo thẩm định của Cục Quản lý đầu tư xây dựng.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam có Tờ trình gửi Bộ Giao thông vận tải về việc xin phê duyệt áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước Dự án đầu tư xây dựng khu bảo trì tàu bay số 1 tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, cơ quan này đã đăng tải thông tin công bố danh mục Dự án đầu tư xây dựng khu bảo trì tàu bay số 1 tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành làm cơ sở xác định số lượng nhà đầu tư quan tâm và nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án.
Ngày đăng tải thông tin công bố danh mục dự án vào ngày 27-9-2022 và thời hạn nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án tới 2 giờ ngày 28-10-2022.
Đã có 2 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án gồm Công ty cổ phần hàng không Vietjet và Công ty TNHH Một thành viên kỹ thuật máy bay (VAECO).
Tổ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các Dự án thành phần 4 – Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 (Tổ Long Thành) đã thực hiện đánh giá yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư. Kết quả, cả hai nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đều đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, theo Thông tư số 23/2021/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải, trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm, Bộ Giao thông vận tải ra quyết định áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi và giao Cục Hàng không Việt Nam là bên mời thầu.
“Căn cứ quy định và danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm nêu trên, Dự án đầu tư xây dựng khu bảo trì tàu bay số 1 tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành thuộc đối tượng áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam khẳng định.
Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư toàn dự án khoảng 336.630 tỷ đồng, tương đương hơn 16 tỷ USD khi hoàn thành cả 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ 2021-2025) tổng mức đầu tư khoảng 112.000 tỷ đồng. Giai đoạn này sẽ xây dựng đường cất hạ cánh dài 4.000m, rộng 75m và hệ thống đường lăn, sân đỗ máy bay.
Đồng thời triển khai một nhà ga hành khách và hàng hóa công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. 64 vị trí đỗ máy bay 4.200 chỗ đỗ xe. Ngoài ra, còn triển khai trạm cung cấp nhiên liệu trạm bảo trì máy bay và khu tiếp phẩm.
Giai đoạn 2 (từ 2025-2030) sẽ xây dựng thêm một đường cất hạ cánh dài 4.000m, rộng 75m. Cộng thêm một nhà ga hành khách công suất 50 triệu hành khách/năm; 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Giai đoạn 3 (từ 2035-2040) sẽ có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách; công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Cảng hàng không quốc tế bay Long Thành được triển khai quy mô rộng 5.000ha, sân bay cấp 4F (mức cao nhất) theo tiêu chuẩn của ICAO (Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế). Theo đánh giá của ACV, dự kiến khi đi vào khai thác, sân bay Long Thành sẽ đón 80% khách quốc tế (bao gồm cả khách quá cảnh) và 20% khách quốc nội.
TTXVN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.