Hội nghị được tổ chức với mục tiêu trao đổi, chia sẻ kết quả đạt được, nhận diện và tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc để cùng nhau bàn và tìm các giải pháp tháo gỡ, nhằm tiếp tục đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp cận và sử dụng vốn vay hiệu quả hơn.
Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã và đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, cơ chế chính sách đồng hành, hỗ trợ phát triển kinh tế -xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các ngành hàng kinh tế chủ lực của vùng.
Đồng chí Đào Minh Tú, Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và đồng chí Nguyễn Văn Hồng, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đồng chủ trì Hội nghị.
|
Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến cuối tháng 8-2023, dư nợ toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 5,35% so với cuối 2022. Trong đó, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được các tổ chức tín dụng quan tâm đầu tư, với dư nợ đạt gần 535 nghìn tỷ đồng, tăng 6,04% (cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của vùng và cao hơn tăng trưởng tín dụng nông nghiệp nông thôn toàn quốc 3,75%); chiếm 51,76% tổng dư nợ của khu vực và 17,44% dư nợ nông nghiệp nông thôn toàn quốc.
Tại hội nghị, đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp phản ánh khó khăn mà doanh nghiệp phải đang phải đối mặt. Đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực với thời hạn và lãi suất hợp lý; tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Tin, ảnh: THÚY AN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.