Giá dầu thế giới
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12-9, giá dầu tăng gần 2% lên mức cao nhất kể từ tháng 11-2022 do triển vọng nguồn cung thắt chặt hơn và sự lạc quan của OPEC về khả năng phục hồi nhu cầu năng lượng tại các nền kinh tế lớn.
Giá xăng dầu giảm nhẹ sau dữ liệu dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng. Ảnh minh họa: Oilprice |
Giá dầu Brent tương lai tăng 1,42 USD, tương đương 1,57%, lên mức 92,06 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 1,55 USD, tương đương 1,8%, lên mức 88,84 USD/thùng.
Cả hai loại dầu chuẩn này vẫn ở mức quá mua về mặt kỹ thuật trong ngày thứ 8 liên tiếp.
Theo Reuters, OPEC vẫn giữ nguyên dự báo về nhu cầu dầu toàn cầu tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023 và 2024, trích dẫn các dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế lớn mạnh hơn dự kiến. Báo cáo hằng tháng của OPEC dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày vào năm 2024.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Công ty phân tích và dữ liệu OANDA, nhận xét: “Giá dầu thô đang tăng sau khi báo cáo hằng tháng của OPEC cho thấy thị trường dầu mỏ sẽ thắt chặt hơn rất nhiều so với suy nghĩ ban đầu”.
Để giữ nguồn cung thắt chặt, Saudi Arabia và Nga tuần trước đã gia hạn cắt giảm nguồn cung tự nguyện tổng cộng 1,3 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm nay.
Libya, thành viên của OPEC+, hiện đóng cửa 4 kho cảng xuất khẩu dầu ở phía Đông do bão, trong khi Kazakhstan, một thành viên khác của OPEC+, giảm sản lượng dầu hằng ngày để bảo trì.
Theo dự kiến của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu toàn cầu sẽ tăng từ 99,9 triệu thùng/ngày vào năm 2022 lên 101,2 triệu thùng/ngày trong năm nay và 102,9 triệu thùng/ngày vào năm 2024. Cũng theo EIA, nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng từ 99,2 triệu thùng/ngày vào năm 2022 lên 101,0 triệu thùng/ngày vào năm 2023, và 102,3 triệu thùng/ngày vào năm 2024.
EIA cho biết họ dự kiến tồn kho dầu toàn cầu sẽ giảm gần nửa triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2023, đẩy giá dầu tăng với giá dầu Brent đạt mức trung bình là 93 USD/thùng trong quý IV.
Tại Mỹ, EIA dự kiến sản lượng dầu thô sẽ tăng từ 11,9 triệu thùng/ngày trong năm 2022 lên 12,8 triệu thùng/ngày vào năm 2023 và 13,2 triệu thùng/ngày vào năm 2024, trong khi mức tiêu thụ “vàng đen” sẽ tăng từ 20 triệu thùng/ngày trong năm 2022 lên 20,1 triệu thùng/ngày vào năm 2023 và 20,3 triệu thùng/ngày vào năm 2024.
Cũng trong ngày 12-9, dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy sự tăng bất ngờ trong tồn kho dầu của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 8-9 thay vì tiếp tục giảm như dự đoán của nhiều nhà phân tích. Cụ thể, tồn kho dầu thô của Mỹ tăng 1,174 triệu thùng, so với mức giảm 5,521 triệu thùng của tuần trước đó. Tồn kho xăng tăng 4,21 triệu thùng; tồn kho sản phẩm chưng cất tăng 2,592 triệu thùng.
Nguồn cung thắt chặt vẫn sẽ là yếu tố hỗ trợ giá xăng dầu leo dốc. Ảnh minh họa: Reuters |
Hiện các nhà giao dịch dầu đang “hóng” dự báo cung-cầu từ Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), dự kiến sẽ đưa ra vào hôm nay, và dữ liệu tồn kho dầu của Mỹ từ EIA.
Hôm nay cũng sẽ có dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 8. Dữ liệu này sẽ tác động đến triển vọng lãi suất. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách vào tuần tới, mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau về việc liệu cơ quan này có tăng lãi suất vào tháng 11 hay không.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 13-9 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 23.471 đồng/lít. Xăng RON 95 không quá 24.871 đồng/lít. Dầu diesel không quá 23.055 đồng/lít. Dầu hỏa không quá 23.188 đồng/lít. Dầu mazut không quá 17.704 đồng/kg. |
MAI HƯƠNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.