Giá dầu thế giới

Kết thúc phiên giao dịch ngày 4-9, giá dầu tăng nhẹ chưa dến 50 cent do kỳ vọng rằng OPEC+ sẽ hạn chế nguồn cung và suy đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ ngừng chiến dịch tăng lãi suất mạnh mẽ.

Giá dầu thô Brent kỳ hạn tháng 11 tăng 45 cent, tương đương 0,51%, lên mức 89 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 10 tăng 40 cent lên mức 85,95 USD/thùng.

Giá xăng dầu kéo dài đà tăng từ tuần trước sang tuần này. Ảnh minh họa: Reuters 

Saudi Arabia đã đi đầu trong nỗ lực hỗ trợ giá. Quốc gia này đã thực hiện cắt giảm sản lượng lớn tự nguyện như một phần của thỏa thuận sản xuất được OPEC+ đồng ý.

Dự kiến, vương quốc này sẽ gia hạn mức cắt giảm tự nguyện 1 triệu thùng/ngày sang tháng 10, tháng cắt giảm thứ 4 liên tiếp. Các thông báo trước đây của Saudi Arabia đã đi trước giá bán chính thức, thường xuất hiện vào tuần đầu tiên của tháng.

Trong khi đó, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết Moscow đã đồng ý với các đối tác OPEC+ về các điều kiện để tiếp tục cắt giảm xuất khẩu trong tháng 10. Chi tiết về thỏa thuận sẽ được tiết lộ trong tuần này.

Nhà phân tích Craig Erlam của OANDA cho biết, Saudi Arabia và Nga có thể rút lại việc cắt giảm bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, Erlam cho biết  “không thể tưởng tượng rằng họ (Saudi Arabia và Nga) sẽ vội vàng” bởi việc đó tiềm ẩn đầy nguy cơ khiến giá giảm trở lại.

Russell Hardy, giám đốc điều hành của Vitol – công ty kinh doanh dầu độc lập lớn nhất thế giới, cho biết nguồn cung dầu thô toàn cầu dự kiến sẽ cải thiện trong 6 đến 8 tuần tới do việc bảo trì nhà máy lọc dầu hoàn tất, mặc dù nguồn cung dầu thô vẫn sẽ khan hiếm.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao của công ty kinh doanh hàng hóa toàn cầu Trafigura ngày 4-9 đã cảnh báo rằng thị trường dầu mỏ dễ bị ảnh hưởng bởi giá tăng đột biến do tồn kho thấp và đầu tư vào các mỏ dầu mới kém.

Dữ liệu việc làm tháng 8 của Mỹ đã củng cố kỳ vọng rằng Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất trong tháng này.

Tại Trung Quốc, hoạt động sản xuất mở rộng bất ngờ trong tháng 8 và một loạt biện pháp kinh tế nhằm hỗ trợ sự phục hồi sau đại dịch của quốc gia Đông Á đã làm dấy lên sự lạc quan rằng nhu cầu sẽ tăng ở nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới này.

Giá xăng dầu vẫn tiếp tục biến động. Ảnh minh họa: Reuters 

Nhận xét về diễn biến thị trường ngày 4-9, John Evans tại công ty môi giới dầu mỏ PVM cho biết “thị trường dường như có thái độ dễ tiếp thu hơn và ít hoài nghi hơn”.

Những lời hứa hỗ trợ lĩnh vực dịch vụ và nới lỏng các hạn chế thương mại xuyên biên giới của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhận được sự đồng cảm từ một thị trường có ít tài xế hơn, Evans cho biết.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 5-9 cụ thể như sau:

Xăng E5 RON 92 không quá 23.339 đồng/lít.

Xăng RON 95 không quá 24.601 đồng/lít.

Dầu diesel không quá 22.354 đồng/lít.

Dầu hỏa không quá 22.309 đồng/lít.

Dầu mazut không quá 17.981 đồng/kg.

Giá xăng dầu thế giới tăng vọt trong tuần qua với dầu Brent tăng 4,8%, dầu WTI tăng tới 7,2%. Vì vậy, dự kiến, trong lần điều chỉnh giá của liên Bộ Tài chính – Công Thương hôm nay, giá xăng dầu nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ với giá xăng có thể tăng 350-450 đồng/lít tùy loại, giá dầu tăng 300-600 đồng/lít (kg).

Nếu đúng như dự báo, giá xăng dầu trong nước sẽ tăng lần thứ 6 liên tiếp.

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 24 lần điều chỉnh, trong đó có 14 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.

MAI HƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.