Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố sáng 29-8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8-2023 tăng 0,88% so với tháng trước.

So với tháng 12-2022, CPI tháng 8 tăng 2,02% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,96%.

Tốc độ tăng/giảm CPI các tháng năm 2023 với cùng kỳ năm trước.  

Trong mức tăng 0,88% của CPI tháng 8-2023 so với tháng trước, nhóm giao thông tăng cao nhất với 3,85%, chủ yếu do: Giá xăng tăng 9,85%; giá dầu diezen tăng 15,9% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong nước vào ngày 1, ngày 11 và 21-8.

Ngoài ra, nhóm giáo dục tăng 0,96% chủ yếu do năm học 2023-2024, học sinh khối lớp 4, 8, 11 bắt đầu học chương trình sách giáo khoa mới. Trong đó, giá sách giáo khoa, vở, giấy viết các loại, giá bút viết các loại đều tăng. Cùng với đó, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,85% do giá nhà ở thuê cũng có chiều hướng tăng…

Tính chung 8 tháng đầu năm, CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lạm phát cơ bản tăng 4,57% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,1%).

Tình hình lạm phát tháng 8 so với các năm trước. 

Giải thích cho sự chênh lệch này, theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân chủ yếu là do bình quân giá xăng, dầu trong nước 8 tháng năm 2023 giảm 17,56% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 11,3% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

 8 tháng năm 2023: CPI tăng 3,1%; lạm phát cơ bản tăng 4,57%. Ảnh minh họa: Vneconomy

Đáng chú ý, cũng theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá vàng tháng 8-2023 tăng 0,64% so với tháng trước; tăng 3,93% so với tháng 12-2022; tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng, chỉ số giá vàng tăng 1,54%.

Chỉ số giá USD tháng 8-2023 cũng tăng 0,57% so với tháng trước; giảm 1,16% so với tháng 12-2022; tăng 1,43%. Bình quân 8 tháng, chỉ số giá USD tăng 2,27%.

PHƯƠNG ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.