Đừng để sách giáo khoa trở thành ‘hàng hóa’ trên thị trường

(Chinhphu.vn) – Rõ ràng, với yêu cầu Bộ GD&ĐT nghiên cứu một bộ sách giáo khoa của Nhà nước, lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ đều đã nhận ra sự bất cập khi để cho doanh nghiệp tư nhân tự biên soạn nội dung và quyết định giá thành của…

Fatz Admin lúc 2023-08-21

(Chinhphu.vn) – Rõ ràng, với yêu cầu Bộ GD&ĐT nghiên cứu một bộ sách giáo khoa của Nhà nước, lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ đều đã nhận ra sự bất cập khi để cho doanh nghiệp tư nhân tự biên soạn nội dung và quyết định giá thành của sách giáo khoa. Nhà nước, cụ thể là Bộ GD&ĐT, cần tham gia vào phần cốt lõi của nội dung đối với những môn học quan trọng để có thể thống nhất về nội dung của cả một chiến lược giáo dục dài hơi.

Đừng để sách giáo khoa trở thành 'hàng hóa' trên thị trường - Ảnh 1.

Trung bình, giá SGK lớp 4, 8, 11 tăng gấp 3 lần – Ảnh: VGP/Vũ Phong

Cứ đầu năm học mới, chị Thủy Nhi, một công nhân tại khu công nghiệp tại TPHCM, lại phải lo dành ra một khoản để mua sách giáo khoa cho các con vào năm học mới. Với 3 đứa trẻ đang học tiểu học, số tiền mà gia đình chị phải bỏ ra là gần 1 triệu đồng.

Điều đáng nói, “năm nay sách giáo khoa lớp 4 vừa là sách mới, vừa không thể tiết kiệm khi cho bé nhỏ dùng lại của bé lớn, vừa có giá đắt hơn bộ sách cũ từ 2-3 lần”, chị Nhi tâm sự.

Một bộ sách Cánh diều dành cho học sinh lớp 4 có giá khoảng 230.000 đồng, trong khi sách giáo khoa (SGK) theo chương trình cũ chỉ có giá 87.000 đồng. Trung bình, giá SGK lớp 4, 8, 11 tăng gấp 3 lần, nhưng chất lượng thì vẫn là một dấu hỏi. Bộ SGK xã hội hóa đầu tiên này từng mắc nhiều sai sót đến mức được nhắc đến cả trong các phiên họp Quốc hội.

Chương trình giáo dục phổ thông mới tạo ra một không gian tự do cho thị trường SGK, với 3 bộ sách Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống, và Chân trời sáng tạo. Theo chương trình cũ, phụ huynh có con học lớp 4 chỉ mất khoảng 87.000 đồng tiền SGK. Giờ với 3 bộ sách trên, họ phải trả lần lượt là 230.000 đồng, 186.000 đồng, 182.000 đồng.

Chi phí tăng vọt này một phần đến từ việc ngân sách nhà nước không còn hỗ trợ các chi phí biên soạn và thẩm định SGK như trước. Hiện tại, các bộ sách mới do doanh nghiệp thực hiện không nhận được trợ giá này nên tất cả sẽ được tính vào giá thành bán ra thị trường.

Việc lựa chọn bộ SGK được tiến hành bởi một hội đồng, dựa trên ý kiến khảo sát của giáo viên bộ môn các trường tại địa phương. Danh sách SGK cuối cùng không chỉ có một bộ, mà là lấy nhiều bộ sách khác nhau cho từng môn học. Ví dụ, một trường có thể chọn sách Mỹ thuật từ bộ Cánh diều, sách Tiếng Việt của Chân trời sáng tạo, còn sách Toán thì dùng của Kết nối tri thức và cuộc sống.

Đừng để sách giáo khoa trở thành 'hàng hóa' trên thị trường - Ảnh 2.

Khuyến khích xã hội hóa giáo dục nhưng cần giữ được vai trò chủ đạo của Nhà nước trong xây dựng nội dung SGK – Ảnh: VGP/Vũ Phong

Còn nhiều bất cập…

Sau khi thực hiện xã hội hóa (SGK), kết quả kiểm tra của Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã chỉ ra nhiều bất cập như giá sách quá cao, tiền chiết khấu lớn, nội dung nhiều “sạn”…

Cụ thể, theo dự thảo báo cáo của Đoàn giám sát, SGK là mặt hàng thiết yếu, số lượng, chất lượng được xác định tương đối chính xác hằng năm; thiết kế, mẫu mã được ổn định trong nhiều năm; số lượng xuất bản và tiêu thụ lớn hơn nhiều so với các loại sách khác. Tuy nhiên, chi phí phát hành (chiết khấu) SGK cao, chưa hợp lý so với các mặt hàng thiết yếu khác.

Mức tối đa phí phát hành (chiết khấu) sách theo chương trình mới cho các đơn vị đầu mối phát hành của Nhà xuất bản Giáo dục phục vụ năm học 2020-2021, 2021-2022 đối với sách giáo khoa là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%; năm học 2022-2023, tỉ lệ tương ứng lần lượt là 28,5%, 35%, và 15% giá bìa.

Giá SGK cao gây khó khăn cho một bộ phận người dân, nhất là ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.

Dự thảo báo cáo của Đoàn giám sát gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra, sau 2 lần đấu thầu, Bộ GD&ĐT không biên soạn được bộ SGK của Nhà nước, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực, tác động lớn tới xã hội.

Thứ nhất, ảnh hưởng lớn tới trách nhiệm quản lý nội dung giáo dục phổ thông cũng như cập nhật, chỉnh sửa, phát triển chương trình, nội dung giáo dục phổ thông; ảnh hưởng tới việc quản lý các rủi ro trong trường hợp không có SGK hoặc sách không bảo đảm chất lượng, yêu cầu.

Ví dụ, trường hợp không có SGK cho một môn học cụ thể do không có nhà xuất bản (NXB) nào thực hiện biên soạn hoặc sách do các NXB biên soạn không đạt yêu cầu về chất lượng, không được phê duyệt. Thực tế đã xảy ra đối với môn học Tiếng dân tộc thiểu số. Sau khi không xã hội hóa được khâu biên soạn SGK Tiếng dân tộc, Bộ GD&ĐT mới tiến hành biên soạn, gây chậm trễ trong triển khai môn học này.

Thứ hai, từ việc giao hết cho xã hội hóa, dẫn tới trước lễ khai giảng các năm học 2020-2021, 2022-2023, 2023-2024 thường thiếu SGK do các NXB chờ địa phương đăng ký mua sách xong mới xác định số lượng sách in, nhằm tối ưu hóa lợi nhuận. Việc phát hành hầu như thực hiện thông qua các nhà trường, dẫn đến phụ huynh, học sinh gặp khó khăn trong việc mua sách tại các hiệu sách…

Thứ ba, SGK xã hội hoá dù được Bộ GD&ĐT phê duyệt nhưng khi đưa vào sử dụng phát hiện rất nhiều sai sót, chậm được sửa chữa, thậm chí sau khi sửa chữa vẫn còn sai sót.

Thứ tư, không có bộ SGK của Nhà nước gây khó khăn trong quản lý giá SGK. Có nghịch lý là, mặc dù có nhiều NXB tham gia biên soạn SGK, có nhiều bộ sách nhưng giá sách không giảm, mà thực tế đang tăng cao, gấp 2- 4 lần so với sách của chương trình cũ. Chi phí chiết khấu SGK cao, chưa hợp lý.

TIN LIÊN QUAN

  • Thủ tướng yêu cầu bảo đảm sách giáo khoa và giáo viên kịp thời cho năm học 2023 - 2024

    Thủ tướng yêu cầu bảo đảm sách giáo khoa và giáo viên kịp thời cho năm học 2023 – 2024

  • Đoàn Giám sát của Quốc hội làm việc với Chính phủ về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa

    Đoàn Giám sát của Quốc hội làm việc với Chính phủ về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa

  • UBTVQH cho ý kiến về báo cáo báo giám sát đổi mới chương trình, sách giáo khoa

    UBTVQH cho ý kiến về báo cáo báo giám sát đổi mới chương trình, sách giáo khoa

  • Giá sách giáo khoa mới lớp 4, 8, 11 được công bố

    Giá sách giáo khoa mới lớp 4, 8, 11 được công bố

Đặc biệt, khi sách xã hội hóa có giá bán cao, Nhà nước tính toán phương án mua sách và cung cấp cho các thư viện trường học để cho học sinh mượn, thì số tiền bỏ ra để mua sách đưa vào thư viện trường học lần đầu tiên sẽ khoảng 3.500 tỷ đồng, hằng năm bổ sung khoảng 20%. Đây là số tiền lớn so với chi phí để xây dựng một bộ SGK của Nhà nước có chất lượng (soạn một bộ sách theo nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới hết 16 triệu USD, tương đương gần 400 tỷ đồng).

Đoàn giám sát cho rằng, khuyến khích xã hội hóa giáo dục nhưng cần giữ được vai trò chủ đạo của Nhà nước trong xây dựng nội dung SGK. Tuy nhiên, đây là vấn đề có tác động lớn tới xã hội, khi có tới 381 đầu SGK mới (của tất cả các NXB). Do đó, Đoàn giám sát đề xuất cơ chế biên soạn thêm một bộ SGK và miễn tiền bản quyền đối với bộ sách do Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả.

“Đây là biện pháp đảm bảo tối đa chất lượng nội dung SGK, giảm giá thành sách, xoá bỏ “lợi ích nhóm” và lũng đoạn thị trường trong phát hành sách”, dự thảo báo cáo Đoàn giám sát nêu.

Cần có một bộ sách giáo khoa của Nhà nước

Phát biểu tại phiên giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 14/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh xã hội hóa biên soạn SGK là chủ trương đúng, tuy nhiên cần phải đánh giá kỹ cách hiểu về Nghị quyết số 88/2014/QH13. Xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục nhưng vẫn phải bảo đảm Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục.

Chủ tịch Quốc hội cũng phân tích rõ tinh thần của Nghị quyết số 88 là Bộ GD&ĐT phải tổ chức biên soạn một bộ SGK đầy đủ từ lớp 1 đến lớp 12. Các tổ chức, cá nhân khác được khuyến khích tham gia biên soạn SGK, một hoặc một số đầu sách theo khả năng, không nhất thiết phải biên soạn đầy đủ một bộ SGK.

Mới đây, ngày 16/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 747/CĐ-TTg yêu cầu các bộ liên quan và UBND các tỉnh, thành phố bảo đảm sách giáo khoa và giáo viên kịp thời cho năm học 2023-2024.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT nghiên cứu nội dung một bộ sách giáo khoa của nhà nước, theo đề nghị của Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Bộ cũng đồng thời được giao đôn đốc nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa, đảm bảo tăng chất lượng, giảm giá thành.

Rõ ràng, với yêu cầu Bộ GD&ĐT nghiên cứu một bộ sách giáo khoa của nhà nước, lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ đều đã nhận ra sự bất cập khi để cho doanh nghiệp tư nhân tự biên soạn nội dung và quyết định giá thành của sách giáo khoa. Nhà nước, cụ thể là Bộ GD&ĐT, cần tham gia vào phần cốt lõi của nội dung đối với những môn học quan trọng để có thể thống nhất về nội dung của cả một chiến lược giáo dục dài hơi. SGK không phải là một món hàng trên thị trường của riêng doanh nghiệp.

Vũ Phong

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.