Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Chủ tịch Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRIR) đồng chủ trì buổi tọa đàm tại điểm cầu Hà Nội.

Bên cạnh đại diện các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT còn có các cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam…

Toàn cảnh tọa đàm tại điểm cầu Hà Nội.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho hay: Phát triển nông nghiệp không phải vì cây lúa hay con heo mà vì người dân là chính. Phát triển ngành nông nghiệp phải coi là công tác nông vận kết hợp với những ứng dụng khoa học kỹ thuật. Chúng ta không thể chỉ dùng ngân sách để có thể phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn một bền vững được nếu thiếu sự tham gia, đóng góp của người nông dân. Nông nghiệp, nông thôn muốn phát triển ổn định, bền vững được phải dựa và nông dân. Vì thế, cuộc tọa đàm nhằm bàn, tìm ra phương thức để phát huy vai trò của người nông dân trong phát triển ngành nông nghiệp và nông thôn trong thời gian tới.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT 

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT) cho rằng: Nếu chúng ta chỉ dựa vào nhà nước thì sẽ quá tải, nhà nước không thể làm được. Vì vậy cần có sự tham gia của người dân với tư cách là một cộng đồng vào xây dựng và ngành nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) chia sẻ, với tư tưởng xuyên suốt cộng đồng tham gia – làm chủ – hưởng lợi, với phương châm tư duy toàn cầu – hành động cơ sở, cộng đồng luôn là trung tâm, chủ đạo của Chương trình tài trợ nhỏ UNDP (SGP).

Trong hơn 30 năm qua, SGP đã tài trợ cho các tổ chức xã hội triển khai thành công nhiều sáng kiến cộng đồng về môi trường và cải thiện sinh kế cho người dân ở 136 quốc gia trong các lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, ngăn ngừa thoái hóa đất và hoang mạc hóa, quản lý rừng bền vững và quản lý rác thải, rác thải nhựa… SGP thực thiện 27.348 dự án, cung cấp tổng số 752,9 triệu USD. Hiện nay, có 1.771 dự án đang thực hiện với tổng số tiền tài trợ là 62,9 triệu USD.

Hoạt động ở Việt Nam từ năm 1999, với phương châm này, SGP đã tài trợ cho các tổ chức xã hội 183 dự án cộng đồng tại 45 tỉnh, thành phố. Trong đó, hỗ trợ hàng trăm cộng đồng trong bảo tồn và phát triển sinh kế dưới tán rừng (các loại cây thuốc), bảo tồn các giống, loài quý hiếm (rùa biển, voọc..), bảo vệ nguồn lợi thủy sản, san hô, sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu, quản lý rác thải, rác thải nhựa và du lịch cộng đồng.

Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.