Giá dầu thế giới

Kể từ cuối tháng 2 năm ngoái khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, đây là lần đầu tiên giá dầu tăng liên tục không ngừng 7 tuần liên tiếp. Đà leo dốc của giá dầu được hỗ trợ mạnh mẽ bởi nguồn cung thắt chặt.

Giá xăng dầu liên tục tăng suốt 7 tuần qua. Ảnh minh họa: Reuters 

Theo Investopedia, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết dự trữ dầu toàn cầu giảm, sản lượng từ các thành viên OPEC+ giảm và nhu cầu cao kỷ lục có thể thúc đẩy giá dầu thô trong những tháng còn lại của năm.

Theo IEA, nhu cầu dầu thế giới đạt mức cao nhất mọi thời đại là 103 triệu thùng/ngày trong cả tháng 6 và tháng 8 và có thể tăng hơn nữa trong những tháng tới. Điều đó sẽ đẩy nhu cầu trung bình hằng ngày trong năm nay lên 102,2 triệu thùng/ngày, tăng 2,2 triệu thùng so với năm ngoái và là mức tăng cao nhất từ trước đến nay.

Trong báo cáo hằng tháng của mình, IEA nhận xét việc cắt giảm nguồn cung sâu hơn của OPEC+ đã “va chạm” với tâm lý kinh tế vĩ mô được cải thiện và nhu cầu thế giới cao chưa từng thấy, đồng thời lưu ý giá dầu toàn cầu đã tăng gần mức cao nhất của năm 2023 trong tháng qua.

Dự báo mới nhất của IEA được đưa ra sau khi nguồn cung dầu toàn cầu giảm 910.000 thùng xuống mức 100,9 triệu thùng/ngày trong tháng 7 do sản lượng giảm mạnh từ Saudi Arabia.

Tồn kho toàn cầu trong tháng 6 cũng đã giảm 17,3 tỉ. Dữ liệu sơ bộ cho thấy hàng tồn kho tiếp tục giảm, và tháng 8 này đánh dấu tháng giảm thứ 4 liên tiếp.

Tuần này, giá dầu đã ghi nhận tuần tăng thứ 7 liên tiếp mặc dù mức tăng khá khiêm tốn, khoảng 0,5%. Giá dầu Brent đã kết thúc tuần ở mức 86,81 USD/thùng, dầu WTI của Mỹ đóng cửa ở mức 83,19 USD/thùng. Đáng chú ý là trong tuần, giá dầu Brent đã có thời điểm tăng vượt mốc 87 USD/thùng.

Trong 5 phiên giao dịch của tuần, giá dầu đã giảm 2 phiên và tăng 3 phiên. Ngay ở phiên đầu tiên của tuần, giá dầu đã bất ngờ lao dốc hơn 1% do các nhà đầu tư lo ngại nhu cầu yếu hơn từ Trung Quốc và Mỹ, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, khi thị trường tiếp nhận dự báo triển vọng kinh tế khả quan hơn của Mỹ, giá dầu đã lấy lại đà, leo dốc gần 1 USD. Tuy nhiên, hạn chế đà tăng của giá dầu trong phiên là dữ liệu cho thấy nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc tăng nhưng xuất khẩu lại giảm và dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng sau tuần giảm kỷ lục trước đó. Tiếp đà, giá dầu tăng gần 2% ở phiên giao dịch thứ 3 của tuần sau khi kho dự trữ nhiên liệu của Mỹ giảm mạnh và việc cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia và Nga bù đắp cho những lo ngại về nhu cầu chậm từ Trung Quốc.

Đà tăng tuần của giá xăng dầu chưa có dấu hiệu chững lại. Ảnh minh họa: Reuters 

Giá dầu tuần này như chơi trò tung hứng. Sau 2 phiên tăng giá, giá dầu lại tìm được đường lao dốc hơn 1 USD khi lo ngại về một đợt tăng lãi suất khác của Mỹ giảm dần sau dữ liệu lạm phát của Mỹ và trong bối cảnh OPEC vẫn lạc quan về triển vọng nhu cầu dầu mỏ.

Ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu đã tăng nhẹ chưa đến 50 cent nhưng như thế cũng đủ để giá dầu đánh dấu tuần tăng thứ 7 liên tiếp, chuỗi tăng tuần dài nhất kể từ cuối tháng 2-2022.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 13-8 cụ thể như sau:

Xăng E5 RON 92 không quá 22.822 đồng/lít.

Xăng RON 95 không quá 23.993 đồng/lít.

Dầu diesel không quá 22.425 đồng/lít.

Dầu hỏa không quá 21.889 đồng/lít.

Dầu mazut không quá 17.668 đồng/kg.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính – Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều 11-8 với giá xăng tăng hơn 30 đồng/lít, giá dầu tăng cao nhất là 1.813 đồng/lít.

Tại kỳ điều hành giá này, liên Bộ đã quyết định: Không trích lập Quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu và tiếp tục không chi Quỹ bình ổn giá đối với 2 mặt hàng xăng, dừng chi Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng dầu hỏa và dầu diesel, thực hiện chi Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng dầu mazut.

MAI HƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.