Giá dầu thế giới
Kết thúc phiên giao dịch ngày 10-8, giá dầu đã giảm hơn 1 USD bởi lo ngại về một đợt tăng lãi suất khác của Mỹ giảm dần sau dữ liệu lạm phát của Mỹ và trong bối cảnh OPEC vẫn lạc quan về triển vọng nhu cầu dầu mỏ.
Cả hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn đã liên tục tăng kể từ tháng 6. Mặc dù “hạ nhiệt” trong phiên giao dịch ngày 10-8, dầu WTI vẫn ghi nhận mức giá giao dịch cao nhất trong năm nay và dầu Brent đạt mức giá cao nhất kể từ tháng 1.
Giá xăng dầu lao dốc ở phiên giao dịch ngày 10-8 nhưng đã nhanh chóng lấy lại được đà tăng đầu phiên giao dịch ngày 11-8. Ảnh minh họa: Oilprice |
Giá dầu thô Brent giảm 1,15 USD, tương đương 1,3%, xuống mức 86,40 USD/thùng. Tương tự, giá dầu WTI của Mỹ giảm 1,58 USD, tương đương 1,9%, xuống mức 82,82 USD/thùng.
Theo Reuters, những ngày vừa qua, giá dầu đã được thúc đẩy bới việc gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện của Saudi Arabia và Nga, cùng với những lo ngại về nguồn cung do khả năng xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine ở khu vực Biển Đen đe dọa các chuyến hàng dầu của Nga.
Nhưng dữ liệu gần đây cho thấy lĩnh vực tiêu dùng ở Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát và giá bán tại nhà máy kéo dài đà giảm trong tháng 7 đã làm dấy lên lo ngại về nhu cầu nhiên liệu ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
John Kilduff, đối tác tại Again Capital LLC ở New York, cho biết: “Dữ liệu của Trung Quốc ngày càng trở nên tồi tệ hơn và điều này sẽ chỉ khiến Trung Quốc gặp khó khăn hơn trong việc thúc đẩy nền kinh tế của mình”.
Ngày 10-8, trong báo cáo hằng tháng của mình, OPEC cho biết họ kỳ vọng thị trường dầu mỏ sẽ hoạt động tốt trong những tháng còn lại của năm.
Giá dầu giảm bất chấp dữ liệu về dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước bật tăng tới 5,85 triệu thùng, cao hơn dự kiến, sau mức giảm kỷ lục ở tuần trước nữa.
Đáng chú ý, dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 7 đã hỗ trợ giá dầu lao dốc.
Theo Reuters, trong tháng 7, CPI của Mỹ tăng ở mức vừa phải, 0,2%. CPI tăng 3,2% kể từ tháng 7 năm ngoái. Trong khi đó, CPI cơ bản trong tháng 7 cũng tăng 0,2% và tăng 4,7% trong vòng 1 năm qua.
Báo cáo CPI từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy lạm phát cơ bản đã giảm trong tháng trước.
Lạm phát hạ nhiệt cùng với thị trường lao động hạ nhiệt càng củng cố niềm tin của các nhà kinh tế học rằng Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ có thể thực hiện một cuộc “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế, sau một năm lo lắng về suy thoái kinh tế.
Giá xăng dầu trong tuần liên tục biến động. Ảnh minh họa: Reuters |
Báo cáo CPI là một trong hai báo cáo trước cuộc họp chính sách ngày 19 và 20-9 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Theo công cụ FedWatch của CME Group, các thị trường tài chính phần lớn kỳ vọng Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách tại cuộc họp tới. Kể từ tháng 3-2022, Fed đã tăng lãi suất chuẩn qua đêm thêm 525 điểm cơ bản lên mức 5,25% – 5,50% ở hiện tại.
Sau báo cáo CPI, cổ phiếu trên Phố Wall đã được giao dịch cao hơn. Đồng USD giảm giá so với rổ tiền tệ.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 11-8 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 22.791 đồng/lít. Xăng RON 95 không quá 23.963 đồng/lít. Dầu diesel không quá 20.612 đồng/lít. Dầu hỏa không quá 20.270 đồng/lít. Dầu mazut không quá 16.531 đồng/kg. |
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên sẽ được điều chỉnh tại kỳ điều hành giá của liên Bộ Tài chính – Công Thương chiều nay. Dự kiến giá xăng có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ; giá dầu tăng mạnh hơn, trên dưới 1.000 đồng/lít.
MAI HƯƠNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.