(Chinhphu.vn) – Dự án thành phần đầu tư xây dựng Quốc lộ 45 – Nghi Sơn thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 dự kiến sẽ thông xe vào tháng 9 tới đây. Tuy nhiên, dự án vẫn đang phải xử lý nền đất…
Cập nhật tình hình thi công dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn QL45 – Nghi Sơn, Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, tính đến nay, luỹ kế sản lượng thi công dự án đạt hơn 2.500 tỷ đồng, đạt gần 79% giá trị hợp đồng, chậm 9,7% so với kế hoạch.
Theo đánh giá, hiện nay, các tồn tại, vướng mắc (mặt bằng, vật liệu đắp, các vấn đề xử lý kỹ thuật) cơ bản đã được tháo gỡ. Song, công tác huy động các nguồn lực về tài chính, tổ chức thi công và bố trí nhân lực làm công tác nội nghiệp của một số nhà thầu còn chưa đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt là nhà thầu Trường Sơn ở gói thầu XL1 và nhà thầu Miền Trung tại gói thầu XL3.
Trực tiếp kiểm tra công trường sáng 28/7, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu Ban quản lý dự án 2 phải lập kế hoạch báo cáo hàng ngày, nêu khó khăn, vướng mắc và báo cáo Bộ GTVT để tháo gỡ nhằm đảm bảo tiến độ chung dự án.
Báo cáo Bộ trưởng, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc điều hành dự án Quốc lộ 45 – Nghi Sơn (thuộc Ban quản lý dự án 2) cho biết, hiện tiến độ thi công của các gói thầu xây lắp đều điều chỉnh thời gian thực hiện.
Tiến độ chậm nhất thuộc các gói thầu XL1 (phạm vi thi công của nhà thầu Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn) qua địa phận huyện Nông Cống và gói thầu XL3 (phạm vi thi công của nhà thầu Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng Miền Trung) qua khu vực thị xã Nghi Sơn.
Tại gói thầu XL1, có hơn 1 km nằm trong phạm vi nền đất yếu. Ban quản lý dự án 2 yêu cầu Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn bố trí thêm máy đào để thi công kịp thời đối với các đoạn đã đủ điều kiện dỡ tải. Đồng thời, tập trung thi công dứt điểm các cống hộp, hầm chui trên tuyến (trừ hầm chui thuộc phạm vi xử lý cọc xi măng đất); bố trí thêm 1 dây chuyền rải bê tông nhựa, tập kết đủ vật liệu để sản xuất theo kế hoạch thảm, hoàn thành công tác thảm trước 25/8.
Gói thầu XL3 khối lượng còn lại rất lớn, trong khi phạm vi thi công dài gần 12 km, Ban quản lý dự án 2 cũng đã chỉ đạo nhà thầu huy động thêm 3 mũi thi công nền, móng đường; có kế hoạch tập kết đủ vật liệu thi công móng cấp phối đá dăm và thảm bê tông nhựa theo hình thức thi công cuốn chiếu các lớp liên tục.
Để khắc phục việc chậm tiến độ, trước mắt, Ban quản lý dự án 2 cũng đã điều chuyển toàn bộ khối lượng móng cấp phối gia cố xi măng và bê tông nhựa với tổng chiều dài 7,68 km cho liên danh nhà thầu Công ty Cổ phần Lizen và Công ty Cổ phần 471 thi công.
Đồng thời, bổ sung hai nhà thầu phụ là Công ty Cổ phần Dolaco và Công ty Cổ phần Thương mại và dịch vụ thép Nam Phát để thi công toàn bộ khối lượng còn lại của hệ thống an toàn giao thông (thuộc phần việc của nhà thầu Công ty Cổ phần Tập đoàn Miền Trung) tại gói thầu XL3.
Sau khi nghe Ban quản lý dự án 2, Tư vấn giám sát và một số nhà thầu báo cáo tiến độ các gói thầu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu: Đối với những vị trí nền đất yếu cần đánh giá chính xác để có phương pháp xử lý phù hợp.
“Chúng ta nỗ lực để kịp tiến độ nhưng phải đảm bảo chất lượng công trình, không vì tiến độ mà bỏ qua chất lượng. Tiến độ của dự án hiện nay đang chấp chới nên các đơn vị phải tập trung nhân lực, máy móc làm ngày, làm đêm”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng lưu ý, gói thầu XL1 và XL2 cơ bản đảm bảo theo đường găng tiến độ, chủ yếu còn lại gói XL3. Ban quản lý dự án 2 phải yêu cầu các nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc để thi công.
“Nhà thầu nào không đủ năng lực, không làm được thì phải thay nhà thầu khác. Khi đã thay thì sau này nhà thầu đó sẽ không được tham gia thực hiện giai đoạn 2. Tiến độ như hiện nay rất sát nên Ban quản lý dự án 2 phải lập kế hoạch báo cáo hàng ngày xem nhanh hay chậm, khó khăn, vướng mắc ở đâu, từ đó báo cáo Bộ để tháo gỡ nhằm đảm bảo tiến độ chung dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo.
Một vấn đề nữa của tuyến cao tốc Quốc lộ 45-Nghi Sơn đó là dự án có tổng cộng 23,4 km đường gom và 57 hầm chui dân sinh. Tuy nhiên, hiện tại mới thi công được 13,3 km đường gom và 56 hầm chui dân sinh.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo: “Đường gom, hầm chui dân sinh và tuyến chính cao tốc phải làm song hành. Ngay từ khâu tư vấn, thiết kế cho đến khi làm việc với địa phương, lấy ý kiến nhân dân phải thống nhất với nhau ngay từ đầu. Quá trình thực hiện thi công đường gom và hầm chui dân sinh cần chú trọng đến vấn đề đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường. Đặc biệt là không để xảy ra tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến việc khai thác của tuyến chính”.
Dự án có chiều dài tuyến là 43,28 km, đi qua địa phận tỉnh Thanh Hóa, tổng vốn đầu tư 5.534,472 tỷ đồng, do Ban quản lý dự án 2 làm chủ đầu tư, khởi công ngày 1/7/2021, dự kiến sẽ hoàn thành và thông xe vào tháng 9/2023.
Dự án được chia làm ba gói thầu xây lắp. Giá trị sản lượng thực hiện dự án từ ngày khởi công đến nay là 2.594,075/3.194,200 tỷ đồng (đạt 81,21% giá trị các hợp đồng), chậm 9,81% so với kế hoạch. Trong đó, gói thầu XL3 chậm đến 22,47%.
Phan Trang