(Chinhphu.vn) – Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và một số đơn vị thành viên vừa làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên về tình hình bảo đảm cấp điện phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và đời sống sinh hoạt của người dân địa phương này. Ông…
Theo báo cáo của EVN, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được cấp điện từ 3 TBA 220 kV Phú Bình, Thái Nguyên và Lưu Xá, mức mang tải của các máy biến áp 220 kV này khoảng 50-60%. Đối với lưới điện 110 kV có kết cấu mạch vòng, các TBA 110 kV đều được cấp điện từ 2 đường dây, tăng cường độ tin cậy cung cấp điện và đáp ứng được cho nhu cầu phụ tải trên địa bàn tỉnh.
Đánh giá của tỉnh Thái Nguyên cho thấy, trong thời gian vừa qua, ngành điện đã bảo đảm cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và nhu cầu sinh hoạt nhân dân. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, điện thương phẩm toàn tỉnh tăng trưởng bình quân 8,8%/năm.
Điện thương phẩm trong các năm 2021 và 2022 tăng chậm hơn so với giai đoạn trước, tốc độ tăng trưởng đạt lần lượt là 8,37% và 1,53%. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cũng như tình hình địa chính trị trên thế giới năm 2022 có nhiều biến động, làm sản lượng của các khách hàng lớn (sản xuất sản phẩm cho xuất khẩu) suy giảm mạnh.
Điện thương phẩm lũy kế đến hết tháng 6/2023 đạt 2.675 triệu kWh, tăng trưởng 2,95% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, thành phần công nghiệp và xây dựng chiếm gần 76%.
Với sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên đã hoàn thành đưa vào vận hành nhiều dự án theo quy hoạch và các dự án cấp điện nông thôn; nâng cao tỉ lệ có điện của tỉnh.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 126/126 xã, phường, thị trấn được sử dụng điện lưới quốc gia; tổng số thôn có điện lưới quốc gia trong toàn tỉnh là 1.659/1.659 thôn (đạt tỉ lệ 100%).
Tại buổi làm việc, Phó Tổng giám đốc EVN Phạm Hồng Phương trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tạo điều kiện, giúp đỡ EVN và các đơn vị thành viên hoàn thành tốt nhiệm vụ cung cấp điện cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết: “Tập đoàn và các đơn vị thành viên cũng gặp phải một số khó khăn khi triển khai công tác đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Cụ thể, Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên đã được phê duyệt nhưng kế hoạch thực hiện quy hoạch chưa được phê duyệt. Cùng với đó là một số khó khăn khác về thỏa thuận tuyến đường dây, vị trí TBA; bổ sung/điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; bồi thường giải phóng mặt bằng”.
Lãnh đạo EVN kiến nghị UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với các đơn vị của ngành điện trong công tác xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên và có cơ chế để thuận tiện trong quá trình triển khai, hạn chế phải điều chỉnh quy hoạch.
Tại buổi làm việc, Phó Tổng giám đốc EVNNPT Bùi Văn Kiên cho biết: Trong giai đoạn 2016 đến nay, EVNNPT đã đóng điện 4 công trình lưới điện 220 kV trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên để bảo đảm cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
EVNNPT đang triển khai các dự án lưới điện truyền tải theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh và được đưa vào Quy hoạch điện VIII là TBA 500 kV Thái Nguyên (công suất 900 MVA) và đường dây 500 kV Hiệp Hòa – Thái Nguyên (2×35 km). Ngoài ra, theo Quy hoạch điện VIII, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên còn một số dự án lưới điện 220 kV.
Với các quy định và thực tế triển khai công tác đầu tư các dự án điện, thời gian hoàn thành đóng điện các công trình xây dựng mới có thể kéo dài 3-5 năm kể từ khi được giao làm chủ đầu tư, theo đó, tiến độ hoàn thành của các công trình này sẽ sau năm 2025.
Chính vì vậy, Phó Tổng giám đốc EVNNPT Bùi Văn Kiên kiến nghị UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các sở, ngành sớm thống nhất vị trí TBA 500 kV Thái Nguyên và đường dây 500 kV Hiệp Hòa – Thái Nguyên để EVNNPT có căn cứ đề xuất và thỏa thuận hướng tuyến của các đường dây 500 kV-220 kV đấu nối.
Đối với các dự án mới được phê duyệt tại Quy hoạch điện VIII, đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên, Sở Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ, sớm chấp thuận chủ trương đầu tư và giao EVNNPT thực hiện đầu tư khi Tổng công ty có văn bản đề nghị thực hiện.
Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện tạo điều kiện và hỗ trợ EVNNPT và các đơn vị ngành điện trong công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, bồi thường giải phóng mặt bằng theo mục tiêu tiến độ yêu cầu, bảo đảm đủ quỹ đất cho các công trình điện để thực hiện đầu tư theo quy hoạch được duyệt.
Tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về trách nhiệm bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp; ban hành chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn nữa đối với các hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp.
Về phía địa phương, ông Trịnh Việt Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cảm ơn sự vào cuộc bảo đảm cung cấp điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVNNPT, EVNNPC trong những năm qua đã góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của các nhà đầu tư cũng như các khu, cụm công nghiệp của tỉnh hoạt động ổn định.
Đồng thời, cam kết sẽ chỉ đạo các sở, ngành của tỉnh phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của EVN thực hiện các thủ tục đầu tư, bảo đảm công tác đầu tư theo đúng thời gian, lộ trình và quy định của pháp luật.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đề nghị các sở, ngành, địa phương rà soát các công trình, dự án, nhu cầu sử dụng để đề xuất vào Kế hoạch thực hiện quy hoạch mạng lưới điện trong giai đoạn tiếp theo.
Thực hiện đúng Thỏa thuận hợp tác và tiếp tục rà soát, bổ sung một số nội dung trong Thỏa thuận đã ký với ngành điện trước đó.
Lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên cũng yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, rà soát sắp xếp, hỗ trợ tái định cư đối với các hộ dân nằm trong hành lang lưới điện để tạo mặt bằng sạch trong công tác đầu tư hệ thống điện.
Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh để xin ý kiến của EVNNPC, EVNNPT tham gia, qua đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án về điện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Toàn Thắng