Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho hay, việc hấp thụ vốn của doanh nghiệp gặp khó khăn là do không có đơn hàng. Hàng chục ngành nghề chính liên quan đến sản xuất kinh doanh như: Giầy da, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản… đang bị ảnh hưởng, kéo theo đó là rất nhiều doanh nghiệp phụ trợ bị ảnh hưởng theo. Lĩnh vực bất động sản cũng chịu nhiều tác động, kéo theo khả năng hấp thụ vốn thấp hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn gặp khó trong tiếp cận vốn do chưa đáp ứng đủ điều kiện cho vay từ ngân hàng.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: HOÀNG GIÁP |
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân khiến tín dụng tăng thấp. Theo đó, nguyên nhân lớn nhất là hiện các doanh nghiệp thiếu đơn hàng để sản xuất, trong khi chi phí sản xuất tăng cao khiến hiệu quả hoạt động suy giảm. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất, thậm chí phải đóng cửa, ngừng hoạt động vì thua lỗ, dẫn tới nhu cầu vốn vay giảm…
Trước thực trạng trên, để tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp, ngoài giải pháp, chính sách từ ngành ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ các Bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ.
Từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc phát sinh (nếu có).
ANH VIỆT
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.