Giá dầu thế giới

Bắt đầu phiên giao dịch đầu tiên của tuần, cả hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn Brent và WTI của Mỹ đều đỏ sản.

Lúc 5 giờ 50 phút ngày 24-7 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent giảm 49 cent, tương đương 0,6%, xuống mức 80,58 USD/thùng. Cùng thời điểm, giá dầu WTI giảm 45 cent, tương đương 0,58%, xuống mức 76,62 USD/thùng.

Giá xăng dầu bất ngờ lao dốc ở đầu phiên giao dịch của tuần giao dịch mới. Ảnh minh họa: Reuters 

Giá dầu đã bất ngờ trượt dốc, cắt đứt chuỗi tăng của hai phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước và ngược với dự báo tăng vượt mức 81 USD/thùng của nhiều nhà phân tích.

Tuần trước, giá dầu tăng, giảm đan xen trong các phiên giao dịch. Mặc dù có 2 phiên giảm, giá dầu vẫn kết thúc tuần ở mức tăng với giá dầu Brent tăng khoảng 1,2%, dầu WTI tăng gần 2%, đánh dấu tuần tăng giá thứ tư liên tiếp.

Tuần trước, giá dầu đỏ sàn bởi các yếu tố tác động chính là số liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc yếu hơn dự kiến và các nhà đầu tư chốt lời.

Dữ liệu từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố đầu tuần trước cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc chỉ tăng 0,8% trong quý II so với quý I. Trong tháng 6, doanh số bán lẻ của Trung Quốc tăng 3,1%, thấp hơn 4 lần so với mức tăng 12,7% trong tháng trước đó, đồng thời thấp hơn so với kỳ vọng tăng trưởng 3,2% của các nhà phân tích.

Giá dầu đã lấy lại được đà tăng khi thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm ngừng tăng lãi suất, dự trữ dầu của Mỹ giảm nhẹ, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc tăng mạnh, và sự gia tăng lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong những tháng tới.

Doanh số bán lẻ tại Mỹ tăng 0,2% trong tháng 6, thấp hơn so với dự báo tăng 0,5% của các nhà kinh tế; doanh số bán lẻ cốt lõi tăng 0,6%, Reuters dẫn báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ. Với những dữ liệu này, Will Compernolle, chiến lược gia vĩ mô tại FHN Financial ở New York, nhận xét Fed sẽ có rất ít lý do để tiếp tục chu kỳ tăng lãi suất “khủng” vốn được kích hoạt từ 1 năm trước để kiềm chế lạm phát.

Tuần trước,  dữ liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần tính đến ngày 14-7 đã giảm 708.000 thùng, xuống 457,4 triệu thùng; dự trữ xăng của Mỹ cũng giảm 1,1 triệu thùng. Đáng chú ý là dữ liệu từ Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho thấy các công ty năng lượng của Mỹ đã giảm 7 giàn khoan dầu xuống còn 530  – mức thấp nhất kể từ tháng 3-2022.  Số lượng giàn khoan dầu của Mỹ là một chỉ báo sớm về sản lượng trong tương lai.

Trong bối cảnh cung đang thiếu hụt, đặc biệt được dự báo chênh lệch cao so với cầu dần về cuối năm, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm ngày 22-7 đã nhắc lại lời kêu gọi cung cấp thêm dầu.

Giá xăng dầu “hạ nhiệt” ngay trước thềm cuộc họp của Fed. Ảnh minh họa: Oilprice 

Theo CNBC, cùng với việc cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày của OPEC+, một số thành viên của OPEC+ đang tự nguyện cắt giảm sản lượng thêm 1,66 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm 2024. Ngoài ra, các đối thủ nặng ký của liên minh là Saudi Arabia và Nga đã tuyên bố tự nguyện cắt giảm thêm vào tháng 7 và tháng 8, lần lượt là cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày và xuất khẩu 500.000 thùng/ngày.

Joseph McMonigle, Tổng thư ký của Diễn đàn Năng lượng quốc tế, cho biết giá dầu sẽ tăng trong nửa cuối năm do nguồn cung gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 24-7 cụ thể như sau:

Xăng E5 RON 92 không quá 21.639 đồng/lít.

Xăng RON 95 không quá 22.792 đồng/lít.

Dầu diesel không quá 19.500 đồng/lít.

Dầu hỏa không quá 19.189 đồng/lít.

Dầu mazut không quá 15.725 đồng/kg.

Giá xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính – Công thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều 21-7 với xăng E5 RON 92 tăng mạnh 1.220 đồng/lít, RON 95 tăng 1.295 đồng/lít; giá dầu tăng khiêm tốn hơn, dao động trong khoảng 400-900 đồng/lít (kg).

Tại kỳ điều hành này, liên Bộ đã quyết định không trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng dầu và không chi Quỹ Bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

MAI HƯƠNG