Giá dầu thế giới
Theo Reuters, kết thúc phiên giao dịch ngày 20-7, giá dầu tăng nhẹ, được hỗ trợ bởi dự trữ dầu thô của Mỹ giảm, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc mạnh nhưng triển vọng nhu cầu yếu hơn khiến các nhà đầu tư thận trọng.
Giá xăng dầu liên tục tăng, giảm trong từng phiên giao dịch. Ảnh minh họa: Reuters |
Giá dầu Brent tăng 18 cent, tương đương 0,2%, lên mức 79,64 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ tăng 28 cent, tương đương 0,4%, lên mức 75,63 USD/thùng.
Dữ liệu kinh tế khả quan, tỷ lệ việc làm thấp và lạm phát giảm hơn so với thời điểm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu một trong những chiến dịch tăng lãi suất tích cực nhất trong lịch sử đã hỗ trợ nhu cầu dầu của Mỹ trong năm nay.
Dự kiến Fed sẽ tăng lãi suất qua đêm chuẩn thêm 25 điểm cơ bản lên mức 5,25% – 5,5% vào tuần tới. Theo các nhà phân tích, đây có thể là lần tăng cuối cùng trong chu kỳ thắt chặt lãi suất này của Fed.
John Ritterbusch, Chủ tịch của Ritterbusch and Associates ở Galena, Illinois cho biết: “Mặc dù nền kinh tế Mỹ đang chứng tỏ mạnh hơn nhiều so với dự kiến trong việc hỗ trợ Chỉ số Dow Jones, nhưng sức mạnh này có vẻ dễ bị tổn thương, đặc biệt nếu Fed tăng lãi suất thêm 25 điểm vào tuần tới”.
Trong phiên giao dịch trước, giá dầu đã giảm sau khi dữ liệu cho thấy hàng tồn kho của Mỹ giảm ít hơn dự kiến của các nhà phân tích.
Bob Yawger, Giám đốc phụ trách hợp đồng năng lượng tương lai tại Mizuho ở New York, nhận xét đó không phải là mức giảm lớn mà một số người trên thị trường mong đợi, và đó là một phần do nhu cầu xăng thấp hơn mức có thể vào thời điểm này trong năm.
Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sau khi chấm dứt các biện pháp kiềm chế Covid-19 đã không đạt được kỳ vọng. Nhập khẩu dầu của nước này so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng gần một nửa trong tháng 6, nhưng mức dự trữ cũng tăng lên gần mức cao nhất mọi thời đại. Các thương nhân cho biết Trung Quốc đã mua dầu thô giảm giá của Nga.
Theo OPEC và Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), nhu cầu của Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong nửa cuối năm nay và vẫn là động lực chính của tăng trưởng toàn cầu.
Giá xăng dầu chưa có hướng đi rõ ràng do triển vọng nhu cầu toàn cầu trái chiều trong vài tuần tới. Ảnh minh họa: Reuters |
Trong một lưu ý, các nhà phân tích của Citi cho biết giá dầu thô có thể gặp khó khăn trong việc tìm ra hướng đi rõ ràng do triển vọng nhu cầu toàn cầu trái chiều trong vài tuần tới.
Các nhà phân tích cho biết nhu cầu là “một bức tranh hỗn hợp với nhu cầu xăng và nhiên liệu máy bay mạnh hơn, nhưng nhu cầu dầu mỏ và dầu diesel yếu hơn”.
Theo các nhà phân tích của Citi, giá dầu thô Brent đã bứt phá lên một phạm vi cao hơn trong tháng này, sau khi bị mắc kẹt ở mức 72-78 USD/thùng trong tháng 5 và tháng 6, sau khi Saudi Arabia cắt giảm sản lượng và rủi ro địa chính trị đã hỗ trợ nhu cầu.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 21-7 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 20.419 đồng/lít. Xăng RON 95 không quá 21.497 đồng/lít. Dầu diesel không quá 18.616 đồng/lít. Dầu hỏa không quá 18.320 đồng/lít. Dầu mazut không quá 15.288 đồng/kg. |
Giá xăng dầu trong nước nói trên sẽ được liên Bộ Tài chính – Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều nay. Theo một số doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp bán lẻ trong nước, giá xăng có thể tăng mạnh 700 đến 1.000 đồng/lít, giá dầu tăng trong khoảng 400-600 đồng/lít (kg).
Trong lần điều hành giá gần đây nhất của liên Bộ, giá xăng RON 95 và E5 RON 92 đã được điều chỉnh tăng, giảm trái chiều.
MAI HƯƠNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.