Giá dầu thế giới
Sau một phiên bật tăng, giá dầu quay trở lại quỹ đạo giảm. Kết thúc phiên giao dịch ngày 19-7, giá dầu lao dốc nhẹ khi các nhà đầu tư chốt lời sau đợt tăng giá đầu phiên do nguồn cung dầu thô của Mỹ thắt chặt hơn và cam kết khôi phục tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Giá xăng dầu giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày 19-7. Ảnh minh họa: Reuters |
Giá dầu Brent giảm 17 cent, tương đương 0,21%, xuống mức 79,46 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI của Mỹ giảm 40 cent xuống mức 75,35 USD/thùng.
Theo Reuters, giá dầu đã trượt dốc vào cuối phiên, đánh mất mức tăng nhẹ trước đó trong phiên. Cả hai hợp đồng đều tăng hơn 1 USD ở phiên giao dịch trước. Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group, cho biết những người tham gia thị trường đã tận dụng mức giá cao hơn và chốt lời.
Sự leo dốc của đồng USD cũng đẩy giá dầu trượt dốc.
Hạn chế đà giảm của giá dầu là dữ liệu về dự trữ xăng, dầu của Mỹ từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Theo cơ quan này, trong tuần tính đến ngày 14-7, dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 708.000 thùng, xuống 457,4 triệu thùng, thấp hơn so với kỳ vọng giảm 2,4 triệu thùng của các nhà phân tích. Dự trữ xăng của Mỹ cũng giảm 1,1 triệu thùng.
Dữ liệu cũng cho thấy lượng dầu dự trữ trong Kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ đã tăng lần đầu tiên kể từ tháng 1-2021, khi Mỹ cố gắng bổ sung cho kho dự trữ này sau mức giảm kỷ lục vào năm ngoái.
Để thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ, nhà hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc đã cam kết sẽ đưa ra các chính sách để “khôi phục và mở rộng” mức tiêu thụ tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Trước đó, báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy doanh số bán lẻ tại Mỹ trong tháng 6 tăng 0,2%, thấp hơn so với dự báo tăng 0,5% của các nhà kinh tế. Doanh số bán lẻ trong tháng 5 cũng được sửa đổi cao hơn, tăng 0,5% thay vì 0,3% như báo cáo trước đó. Doanh số bán lẻ tăng ít hơn dự kiến càng củng cố quan điểm rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ ngừng tăng lãi suất sau lần tăng 25 điểm cơ bản tại cuộc họp dự kiến diễn ra vào cuối tháng này.
Một dấu hiệu tích cực khác là Klaas Knot, thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 18-7 cho rằng việc tăng lãi suất sau cuộc họp của ECB vào tuần tới không có gì là chắc chắn. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, ông Knot cho biết, ECB sẽ xem xét kỹ các dấu hiệu lạm phát hạ nhiệt trong những tháng tới để tránh tăng lãi suất quá mức.
Đồng USD mạnh hơn đã đẩy giá xăng dầu lao dốc. Ảnh minh họa: Reuters |
Naeem Aslam của Zaye Capital Markets cho biết: “Các nhà giao dịch đã bắt đầu trở nên lạc quan hơn rất nhiều khi lạm phát hạ nhiệt”. “Bất kỳ sự cải thiện nào về dữ liệu lạm phát cũng có nghĩa là nhu cầu dầu mỏ được cải thiện”, Aslam nhấn mạnh.
Trong khi đó, Bộ Năng lượng Nga cho biết, Moscow dự kiến sẽ giảm xuất khẩu dầu 2,1 triệu tấn trong quý III, phù hợp với kế hoạch cắt giảm xuất khẩu tự nguyện 500.000 thùng/ngày trong tháng tới.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 20-7 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 20.419 đồng/lít. Xăng RON 95 không quá 21.497 đồng/lít. Dầu diesel không quá 18.616 đồng/lít. Dầu hỏa không quá 18.320 đồng/lít. Dầu mazut không quá 15.288 đồng/kg. |
Giá xăng dầu trong nước nói trên sẽ được điều chỉnh tại kỳ điều hành giá ngày 21-7 của liên Bộ Tài chính – Công thương. Theo một số doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp bán lẻ trong nước, giá xăng có thể tăng mạnh 700 đến 1,000 đồng/lít, giá dầu tăng trong khoảng 400-600 đồng/lít (kg). Trong trường hợp liên Bộ trích Quỹ Bình ổn giá, giá xăng dầu có thể được điều chỉnh tăng cao hơn.
Trong lần điều hành giá gần đây nhất của liên Bộ, giá xăng RON 95 và E5 RON 92 đã được điều chỉnh tăng, giảm trái chiều.
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.
MAI HƯƠNG