Coi trọng tiếng nói doanh nghiệp trong thiết kế, triển khai chính sách

(Chinhphu.vn) – Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp trọng tâm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, để các chính sách hỗ trợ đi vào cuộc sống, các DN, hiệp hội DN cần tiếp tục nâng cao…

Fatz Admin lúc 2023-07-19

(Chinhphu.vn) – Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp trọng tâm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, để các chính sách hỗ trợ đi vào cuộc sống, các DN, hiệp hội DN cần tiếp tục nâng cao tiếng nói về các cơ chế chính sách, kiến nghị về các vấn đề cần tháo gỡ và hoạt động đổi mới chính sách.

Coi trọng tiếng nói DN trong thiết kế, triển khai các chính sách - Ảnh 1.

“Diễn đàn phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho DN” – Ảnh: VGP/HT

Đây là ý kiến được trao đổi tại “Diễn đàn phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho DN” do Tạp chí Diễn đàn DN-VCCI tổ chức ngày 19/7 tại Hà Nội.

Chỉ có DN mới biết DN cần gì nhất

Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, tình hình sản xuất kinh doanh trong thời gian tới dự kiến tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặt ra yêu cầu cho các DN Việt Nam cần phải đổi mới để bắt kịp xu thế mới nếu không sẽ bị giảm sức cạnh tranh và bị mất cơ hội tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp trọng tâm hỗ trợ và phát triển DN.

Để tiếp tục tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi và phát triển của DN, VCCI đề xuất một số giải pháp lớn cần thực hiện như: Tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư kinh doanh; tiếp tục có các giải pháp giảm chi phí cho DN, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực từ các gói hỗ trợ của Nhà nước; hỗ trợ một số ngành đang phục hồi mạnh mẽ như du lịch, dịch vụ hiện đang đối mặt với khó khăn về thiếu hụt nhân lực…

Tuy nhiên, ông Hoàng Quang Phòng khẳng định, chỉ có DN mới biết DN cần gì nhất. Và chính cộng đồng DN cần xác định các thách thức, cơ hội để bàn các giải pháp giúp DN phát triển bền vững, thành công.

Coi trọng tiếng nói DN trong thiết kế, triển khai các chính sách - Ảnh 2.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Ảnh: VGP/HT

Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, cho biết, vừa qua đã có rất nhiều chính sách về tài khóa và tín dụng được ban hành, tuy nhiên, vẫn còn hai vấn đề quan trọng cần được lưu ý. Thứ nhất, bản thân các cơ chế chính sách đã phù hợp với thời điểm nhưng có thể chưa thực tế đối với một số ngành nghề, đối tượng. Thứ hai, nội tại của các DN được tiếp cận và khả năng hấp thụ. 

Năm 2023, Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc với các DN tư nhân, DN FDI, DN Nhà nước… gần đây nhất, ngày 6/7, Thường trực Chính phủ đã có cuộc làm việc với Hiệp hội DN nhỏ và vừa và Thủ tướng đã giao cho các bộ, ngành xử lý các kiến nghị của DN. Chính phủ cũng đã có Nghị quyết 58 ngày 21/4/2023 về một số chính sách giải pháp trọng tâm hỗ trợ DN chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025

Quan điểm của Chính phủ là đặt việc hỗ trợ DN trong thời điểm khó khăn lên trọng tâm hàng đầu, các chính sách ban hành ra phải thông thoáng, rõ ràng… Tuy nhiên, theo ông Long, để thực hiện được việc này phụ thuộc rất nhiều vào các DN, hiệp hội DN. Trong quá trình vận hành cơ chế chính sách, bản thân các DN cũng cần có các kiến nghị trực tiếp về các vấn đề cần tháo gỡ trong thực tế.

Cần tập trung kiểm soát quy định mới làm gia tăng chi phí

Coi trọng tiếng nói DN trong thiết kế, triển khai các chính sách - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN – Ảnh: VGP/HT

Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, có nguy cơ tác động không mong muốn của luật pháp (thể chế), tạo ra gánh nặng về tài chính và chi phí tuân thủ lớn.

Chẳng hạn, Dự thảo quyết định định mức tái chế vừa được bàn thảo, ngoài thủ tục hành chính, dự kiến những DN không tự tái chế phải nộp khoản tiền cho Quỹ bảo vệ môi trường hay dự kiến tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt, gia tăng chi phí rất lớn cho DN.

“Cải cách thể chế có ý nghĩa quan trọng, thậm chí quan trọng hơn cả chính sách tài khoá và tiền tệ trong ngắn hạn. Không chỉ đơn giản thủ tục hành chính mà còn hướng đến cắt giảm chi phí đầu tư phát sinh từ quy định pháp luật”, ông Phan Đức Hiếu đúc kết.

Cho rằng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến cải cách thể chế, ông Phan Đức Hiếu nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện 644/CĐ-TTg về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân và DN. Trong đó, có 3 điểm được nhấn mạnh: Không chỉ cải cách thủ tục mà cắt giảm chi phí tuân thủ; rà soát, loại bỏ thủ tục hành chính là rào cản, cắt giảm 20% chi phí tuân thủ; xử lý dứt điểm các phản ánh của người dân và DN.

Để thực hiện hiệu quả Công điện 644 của Thủ tướng Chính phủ, cải cách thể chế hiệu quả và bền vững, ông Phan Đức Hiếu đưa ra 3 gợi ý:

Coi trọng tiếng nói DN trong thiết kế, triển khai các chính sách - Ảnh 4.

Ông Phan Đức Hiếu – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội – Ảnh: VGP/HT

Thứ nhất, cần tập trung kiểm soát quy định mới làm gia tăng chi phí. Nếu thực sự chưa cấp bách, không nên ban hành quy định mới. Nếu phải ban hành quy định thì cần có lộ trình áp dụng phù hợp quy định để DN có thời gian ổn định sức khoẻ và chuẩn bị phương án tuân thủ, đồng thời có hỗ trợ tài chính trực tiếp cho DN trong tuân thủ quy định như phòng cháy chữa cháy, kiểm đếm CO2… theo đúng địa điểm, đúng nhu cầu, bảo đảm tuân thủ pháp luật.

Thứ hai, trong khó khăn, DN tại một số ngành nghề, lĩnh vực như bất động sản, tài chính… có nhu cầu cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, quy định hiện hành đôi khi cản trở hoạt động đó. Do đó, cần thiết nghiên cứu xem xét cơ chế nới lỏng có thời hạn, có địa chỉ để giúp DN thực hiện tái cơ cấu, vượt qua khó khăn. Đây là biện pháp cải cách thể chế có hiệu quả và đã được áp dụng trong thời kỳ dịch COVID-19

Thứ ba, ông Hiếu cho rằng, về lâu dài cần nghiên cứu cơ chế bền vững thúc đẩy cải cách thể chế thường xuyên. Theo kinh nghiệm thế giới, cải cách thể chế nếu chỉ xuất phát đơn lẻ, bột phát từ chính các cơ quan ban hành thì sẽ không hiệu quả. Để thực hiện hiệu quả, nhiều nước trên thế giới đều thành lập cơ quan độc lập có thẩm quyền thuộc Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ với chức năng giám sát và thúc đẩy cải cách thể chế, được trao thẩm quyền mạnh để cải cách thể chế bền vững, hiệu quả, thường xuyên.

Dưới góc độ Hiệp hội DN địa phương, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa kiến nghị giải pháp đẩy mạnh công tác tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới.

Thứ nhất, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, loại bỏ các quy định không phù hợp. Động viên, khích lệ những cán bộ có trách nhiệm, dám nghĩ dám làm.

Thứ hai, cần tiếp tục thực hiện cải cách môi trường kinh doanh, hạn chế kiểm tra, thanh tra.

Thứ ba, đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách tín dụng ưu đãi cho những DN khẳng định được uy tín, thương hiệu. 

  • Thủ tướng chỉ đạo chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp

  • Thủ tướng: Những việc pháp luật không cấm thì để người dân, doanh nghiệp làm

Nhấn mạnh yêu cầu nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam kiến nghị: Cần có một cơ quan chuyên trách rà soát văn bản pháp lý trước khi trình Quốc hội để gạt bỏ những chồng chéo xung đột trong các luật. Ngoài ra, các cơ quan soạn thảo cần lắng nghe, tiếp thu các đề đạt, kiến nghị, thắc mắc của các hiệp hội DN, DN trong quá trình xây dựng luật.

“sớm rà soát lại các quy định đang áp dụng ở mọi ngành kinh tế và kiên quyết cắt bỏ các thủ tục hành chính, nhất là phải quy định cấp thẩm quyền nào mới được đưa ra các quy định để yêu cầu DN thực hiện”, ông Nguyễn Quốc Hiệp nói.

Huy Thắng

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.