(Chinhphu.vn) – Không chỉ giảm phát thải trong sản xuất tại nhà máy, Nestlé Việt Nam đang nỗ lực giảm phát thải trong toàn bộ chuỗi giá trị, từ khâu nguyên liệu đầu vào, chế biến và sản xuất, đến khi sản phẩm được phân phối đến người tiêu dùng…
Ngày 13/7, tại tọa đàm “Doanh nghiệp và mục tiêu Net Zero: Các giải pháp kinh tế tuần hoàn và cắt giảm phát thải carbon” do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD-VCCI) tổ chức, ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông Công ty Nestlé Việt Nam cho biết, Tập đoàn Nestlé đặt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050. Theo lộ trình Nestlé đưa ra, tập đoàn sẽ giảm 20% phát thải vào năm 2025, 50% vào năm 2030 và hoàn thành mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Là công ty hàng đầu về thực phẩm, trong chuỗi cung ứng của Nestlé, phát thải từ hoạt động nông nghiệp chiếm hơn 2/3 tổng lượng phát thải khí nhà kính của tập đoàn. Điều này cho thấy phần lớn lượng phát thải đến từ thượng nguồn chuỗi giá trị, tức từ khâu sản xuất nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thực phẩm.
Vì vậy, để đạt được các bước tiến trong việc thực hiện cam kết Net Zero, Nestlé tập trung vào thượng nguồn chuỗi giá trị, với 2 cách tiếp cận chiến lược để giảm phát thải, gồm: Thúc đẩy nông nghiệp tái sinh và bảo tồn, tái tạo rừng. Bên cạnh đó, công ty tiếp tục thực hiện các sáng kiến và chương trình giảm phát thải trong sản xuất và trong vận tải hàng hóa.
Theo chia sẻ của ông Khuất Quang Hưng, mô hình nông nghiệp tái sinh của Nestlé tập trung vào việc phục hồi đa dạng sinh học, cải thiện chất lượng đất trồng, bảo tồn nguồn nước, kết hợp các phương pháp trồng xen canh đa dạng, tích hợp với chăn nuôi và tạo cảnh quan bền vững. Trong lĩnh vực cà phê, mô hình này đang được Nestlé triển khai thông qua chương trình Nescafé Plan, hướng đến giảm phát thải nhà kính, tăng thu nhập của người nông dân và đóng góp cho cộng đồng. Tại Việt Nam, phương thức nông nghiệp tái sinh được chia sẻ đến người nông dân trồng cà phê trong khuôn khổ Nescafé Plan đã được triển khai tại các tỉnh Tây Nguyên từ năm 2011.
Nestlé đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% hạt cà phê cung ứng cho tập đoàn được canh tác có trách nhiệm, 20% hạt cà phê được thu hoạch từ các nông trại canh tác theo mô hình nông nghiệp tái sinh và đến năm 2030, tỉ lệ này đạt 50%, đồng thời giảm phát thải 50% khí nhà kính (so với năm 2018). Việt Nam hiện là một trong những nguồn cung cà phê xanh lớn nhất cho Tập đoàn Nestlé.
Từ năm 2011 cho đến nay, dự án Nescafé Plan đã hỗ trợ 16.000 hộ canh tác cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C, giúp các nông hộ giảm 40-60% lượng nước tưới, giảm 20% lượng phân bón hóa học. Nestlé Việt Nam đang phối hợp với đối tác xây dựng và phát triển công cụ đo lường và kiểm soát phát thải khí nhà kính cho người nông dân trong canh tác cà phê.
Nhằm bảo tồn và tái tạo rừng, Nestlé tập trung vào 3 nỗ lực chính: Nguồn cung không gây mất rừng, bảo tồn, tái tạo rừng và cảnh quan bền vững. Theo đó, Nestlé nỗ lực thẩm định/ đánh giá tình trạng và tính hợp pháp của các nông trại, trao giấy chứng nhận và giám sát để ngăn ngừa tình trạng phá rừng trong chuỗi cung ứng.
Tập đoàn Nestlé đặt mục tiêu trồng 200 triệu cây trên toàn cầu đến năm 2030 nhằm góp phần phục hồi rừng và hệ sinh thái tự nhiên, đồng thời bảo đảm lợi ích của cộng đồng địa phương. Tại Việt Nam, trong tháng 6/2023, Nestlé khởi động dự án “Canh tác cà phê bền vững theo mô hình nông lâm kết hợp” tại các tỉnh Tây Nguyên, hướng tới mục tiêu trồng hơn 2,3 triệu cây đến năm 2027. Dự án vừa giúp tạo thêm thu nhập cho người nông dân, vừa hỗ trợ cải thiện các điều kiện canh tác cây cà phê, dự kiến hấp thu và lưu trữ hơn 480.000 tấn CO2.
Bên cạnh nỗ lực giảm phát thải ở thượng nguồn chuỗi giá trị, Nestlé áp dụng nhiều sáng kiến để giảm phát thải trong hoạt động thiết kế và sản xuất. Nestlé cũng đặt mục tiêu trên 95% bao bì nhựa của tập đoàn được thiết kế để tái chế đến năm 2025, với tham vọng hướng đến 100% bao bì có thể tái chế và tái sử dụng.
Đối với hoạt động sản xuất, từ năm 2015, tất cả nhà máy Nestlé Việt Nam đã đạt mục tiêu “Không rác thải chôn lấp ra môi trường” nhờ áp dụng nhiều giải pháp và mô hình kinh tế tuần hoàn.
Trong đó, hiện chất thải từ sản xuất (nước thải, khí thải, chất thải rắn) đều được xử lý, tái chế và tái sử dụng. Trung bình 60-65% tổng lượng nước thải/ năm tại nhà máy sản xuất cà phê đã được tái sử dụng. Ngoài ra, 100% bã cà phê sau sản xuất được dùng làm năng lượng sinh khối. Cát thải trong lò hơi được cung cấp cho nhà sản xuất gạch tại địa phương để làm nguyên liêu sản xuất gạch không nung.
Minh Thi