Chiều 13-7, giá vàng do Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) phát ra ở mức 66,8 – 67,42 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng cả hai chiều so với chốt phiên hôm trước.
Vàng DOJI tại Hà Nội niêm yết giá vàng ở mức 66,700 – 67,350 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng so với chốt phiên gần nhất. Trong khi đó, giá vàng DOJI tại TP Hồ Chí Minh rẻ hơn so với DOJI tại Hà Nội 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán.
Vàng nhẫn tăng mạnh nhất khi giá mua vào tại Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) ở TP Hồ Chí Minh tăng 300.000 đồng/lượng mua vào và tăng 400.000 đồng/lượng bán ra so với ngày hôm qua.
Giá vàng trong nước tăng vọt sau khi giá vàng thế giới ngày 12-7 có mức tăng mạnh, chạm ngưỡng cao nhất trong vòng 3 tuần qua. Tuy nhiên, đến sáng 13-7, giờ New York, giá vàng đã giữ ở mức ổn định. Vàng giao ngay gần như không thay đổi ở mức 1.957,48 USD/ounce lúc 0 giờ 39 phút (giờ GMT, tức 7 giờ 39 phút, giờ Hà Nội). Giá vàng kỳ hạn của Mỹ đứng vững ở mốc 1.962,30 USD.
Vàng đang lấy lại vị thế trú ẩn an toàn. Ảnh: aa.com.tr |
Vàng tăng giá chủ yếu do đồng USD suy giảm. Chỉ số DXY (đo lường biến động của đồng bạc xanh với rổ 6 đồng tiền chủ chốt) rớt từ mức 103 điểm trong tuần trước xuống hiện còn 101,4 điểm. Có một yếu tố khiến đồng USD chịu áp lực giảm gần đây là việc thị trường đang nghiêng về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chỉ tăng lãi suất một lần nữa trước khi dừng hẳn.
Giới chuyên gia nhận định, trong bối cảnh địa chính trị tiếp tục bất ổn, vàng đang lấy lại vị thế trú ẩn an toàn. Cuộc khảo sát của Invesco-Công ty quản lý đầu tư độc lập của Mỹ-đối với 57 ngân hàng trung ương và 85 quỹ đầu tư quốc gia cho thấy, ngày càng có nhiều quốc gia chuyển vàng dự trữ về nước để tự bảo vệ mình khỏi các lệnh trừng phạt có thể xảy ra. Theo Invesco, hiện các ngân hàng trung ương toàn cầu cũng đang đẩy nhanh tốc độ mua dự trữ vàng. Năm 2022, các ngân hàng đã phá kỷ lục tích lũy vàng và kỷ lục này có thể sẽ bị phá vỡ trong năm 2023.
NGUYÊN LINH