(Chinhphu.vn) – Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông đến năm 2025 đúng tiến độ Thủ tướng Chính phủ giao (trước ngày 15/7), đảm bảo…
Chiều 12/7, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái họp với các Bộ, ngành về Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đến năm 2025.
Báo cáo của của VNPT về kết quả sản xuất kinh doanh của tập đoàn từ năm 2026 trở lại đây cho biết, kết quả sản xuất kinh doanh của tập đoàn có nhiều chỉ tiêu quan trọng hoàn thành vượt mức kế hoạch được Chính phủ giao.
Trong giai đoạn 2016-2020, lợi nhuận đạt 29.905 tỷ đồng bằng 118,5% kế hoạch; doanh thu đạt 274.289 tỷ đồng bằng 101,9% kế hoạch. Trong các năm 2021, 2022, VNPT hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giao. Kế hoạch thực hiện 6 tháng đầu năm 2023 bám sát kế hoạch và tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022.
Về kết quả thực hiện chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, VNPT đã tư vấn triển khai các dự án Chuyển đổi số, phát triển kinh doanh các giải pháp công nghệ thông tin cho các bộ ngành, địa phương; đóng góp tích cực gia tăng giá trị dịch vụ số và nền tảng số cung cấp sản phẩm dịch vụ cho khách hàng doanh nghiệp phục vụ phát triển kinh tế số.
Tập đoàn VNPT cũng có những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy giao dịch điện tử giữa người dân và chính quyền thông qua việc cấp phát và cấp Chứng thư số cho cá nhân để tham gia vào các dịch vụ trên cổng dịch vụ công;…
Về kết quả đạt được khi thực hiện cơ cấu lại giai đoạn 2018-2020, báo cáo của Tập đoàn VNPT cho biết, tập đoàn đã cơ bản hoàn thành cơ cấu lại theo Quyết định số 2121/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cả về: Tập trung nguồn lực và hình thành đơn vị trụ cột của VNPT về công nghệ thông tin; tái cơ cấu triệt để hoạt động kinh doanh quốc tế; nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe,…
Tuy nhiên trong giai đoạn 2018-2020, Tập đoàn VNPT còn một số nội dung cơ cấu lại chưa hoàn thành liên quan đến cơ cấu lại danh mục doanh nghiệp có vốn góp; chưa thực hiện cổ phần hóa VNPT.
Về xây dựng Đề án cơ cấu lại, VNPT đặt mục tiêu chiến lược chính: Xây dựng và phát triển VNPT thành tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, năng động, hiệu quả, hiện đại có năng lực cạnh tranh ở trong nước và quốc tế. Trở thành tập đoàn công nghệ điều hành quản trị trên môi trường số, lấy hạ tầng số, công nghệ số và dịch vụ số làm chủ đạo, sở hữu và khai thác nền tảng, hạ tầng trụ cột của hạ tầng số quốc gia, tiên phong nghiên cứu làm chủ công nghệ số.
Báo cáo của Tập đoàn VNPT cũng nêu rõ các nội dung cơ cấu lại về: vốn điều lệ và cơ cấu lại vốn, tài sản, tài chính của VNPT; đổi mới quản trị doanh nghiệp số theo thông lệ quốc tế; cơ cấu lại tổ chức bộ máy của VNPT giai đoạn 2021-2025 như sáp nhập 2 doanh nghiệp vào Công ty mẹ Tập đoàn; cơ cấu lại và đổi mới quản trị nguồn nhân lực; chuyển đổi số; cơ cấu lại khối cổ phần; sắp xếp lại và chọn lọc đầu tư ra nước ngoài; bổ sung ngành nghề kinh doanh (tài chính số, Mobile Money,…); tổ chức lại nguồn lực của VNPT (viễn thông tỉnh) và VNPT-Vinaphone (Trung tâm kinh doanh tỉnh) trên địa bàn cấp tỉnh thành 1 đơn vị; hình thành Trung tâm dùng chung nguồn lực trên quy mô toàn tập đoàn để nâng cao hiệu quả hoạt động; rà soát, tinh gọn khối quản lý, nâng cao vai trò lãnh đạo, giám sát của của tổ chức Đảng tại VNPT,…
Trong báo cáo, VNPT cũng nêu 9 giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Đồng thời tập đoàn cũng nêu một số vướng mắc và đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để Đề án cơ cấu lại tập đoàn sớm được phê duyệt.
Tại cuộc họp, đại diện Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng trình bày báo cáo về việc tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia của các Bộ, ngành về Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đến năm 2025.
Đại diện Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành: Bộ Nội vụ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ LĐTBXH, Bộ TTTT, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương… ghi nhận những kết quả VNPT đã đạt được trong hoạt động sản xuất kinh doanh thời gian qua, đồng thời cho ý kiến đối với các nội dung VNPT nêu trong Đề án cơ cấu lại như: Về mục tiêu xây dựng và phát triển tập đoàn; đề xuất bổ sung ngành nghề kinh doanh (Mobile Money, tài chính số); về thẩm quyền sửa đổi điều lệ của VNPT; sáp nhập công ty con vào công ty mẹ Tập đoàn; phương án xử lý đối với người lao động sau khi sáp nhập doanh nghiệp; đầu tư ra nước ngoài;…
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, tuy một số nội dung về cơ cấu lại của VNPT trong giai đoạn 2018-2020 chưa đạt mục tiêu đề ra, nhưng những kết quả sản xuất kinh doanh của tập đoàn gắn với xu thế phát triển về chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là đáng ghi nhận.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, thời gian tới, VNPT cần trở thành tập đoàn mạnh, có những sản phẩm hàng đầu theo kịp xu thế, có thể cạnh tranh được với các nước trên thế giới. Do vậy, việc cơ cấu lại VNPT cho sát với tình hình thực tế và chiến lược chuyển đổi số quốc gia để đáp ứng nhu cầu phát triển là cần thiết.
Đối với đề xuất sáp nhập công ty con vào công ty mẹ (100% vốn nhà nước), trên cơ sở ý kiến thống nhất của các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và Tập đoàn VNPT thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Cho ý kiến đối với một số nội dung cụ thể VNPT đề xuất, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương tiếp thu góp ý của các bộ, ngành; hoàn thiện nội dung các văn bản, chính thức trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông đến năm 2025 đúng tiến độ Thủ tướng Chính phủ giao (trước ngày 15/7), đảm bảo chất lượng, đúng quy định của pháp luật.
“Tinh thần là tạo mọi điều kiện để Tập đoàn Bưu chính Viễn thông lớn mạnh”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh./.
Trần Mạnh