Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2014, 2016 và năm 2022 để phù hợp với thực tế và yêu cầu quản lý thuế trong từng giai đoạn. Thực tiễn hiện nay cho thấy cần sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt để giải quyết những bất cập phát sinh, khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu, sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo với nhiều sửa đổi quan trọng, sẽ có tác động lớn đến các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật và cả người tiêu dùng.
Phát biểu khai mạc, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI cho hay, VCCI có trách nhiệm tổng hợp, ghi nhận đầy đủ, phản ánh một cách kịp thời, trung thực những kiến nghị của doanh nghiệp, các cơ quan hữu quan. Các ý kiến thảo luận trong hội thảo sẽ là những thông tin rất hữu ích để VCCI báo cáo tới các ủy ban của Quốc hội, Chính phủ.
Trong Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) có bổ sung một số đối tượng chịu thuế: Nước giải khát có đường; thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn; sản phẩm thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch của thuốc lá mới; kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng. Đồng thời, sửa đổi đối tượng chịu thuế: Xe ô tô (bổ sung loại xe bốn bánh chở người có gắn động cơ) và tàu bay (sửa đổi theo hướng chỉ quy định “máy bay, trực thăng, tàu lượn”). Trong đó việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu Thuế tiêu thụ đặc biệt với lý do ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì đáng báo động ở trẻ em; nguy cơ cao đối với nhiều bệnh không lây nhiễm, các bệnh mãn tính và tử vong sớm.
Quang cảnh hội thảo. |
Theo TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp trong lĩnh vực nước giải khát nói riêng đang trong giai đoạn rất khó khăn. Thời điểm này việc mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng thuế (trong đó có Thuế tiêu thụ đặc biệt) là chưa phù hợp vì sẽ tạo gánh nặng và thậm chí có thể làm kiệt quệ hơn sự khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Bất kỳ chính sách nào cũng có tác động kinh tế-xã hội nhất định, do vậy công cụ chính sách không nên tạo thêm gánh nặng cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân. TS Nguyễn Minh Thảo khuyến nghị cần cân nhắc về lộ trình áp dụng mở rộng đối tượng chịu Thuế tiêu thụ đặc biệt, từ đó tránh tạo ra những rủi ro chính sách cho doanh nghiệp.
Tin, ảnh: ANH VIỆT