Cụ thể, vào lúc 15 giờ chiều nay (29-6), giá vàng SJC được giao dịch ở mức 66,45 triệu đồng/lượng mua vào và 67,07 triệu đồng/lượng bán ra – không thay đổi trong vòng 2 ngày trở lại đây.

Giá vàng DOJI được giao dịch ở mức 66,4 triệu đồng/lượng mua vào và 67 triệu đồng/lượng bán ra.

Hôm qua (28-6), giá vàng SJC được doanh nghiệp vàng niêm yết 66,35 – 66,95 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giá vàng 24k Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu được giao dịch ở mức 55,67 – 56,52 triệu đồng/lượng.

 Giá vàng chiều nay (29-6) duy trì ngưỡng 67 triệu đồng/lượng. Ảnh: vtv.vn

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá vàng tháng 6-2023 giảm 0,64% so với tháng trước; tăng 3,3% so với tháng 12-2022; tăng 0,95% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 0,67%.

Cũng theo số liệu báo cáo, khoảng 10 năm trở lại đây, Việt Nam không nhập khẩu nguyên liệu vàng. Trong khi đó, nhu cầu vàng trong nước ngày càng tăng. Báo cáo xu hướng nhu cầu vàng mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới năm 2022, nhu cầu mua vàng của người Việt đạt 18 tấn vàng, cao nhất trong 14 năm. Lượng tiêu thụ vàng quý 1-2023 ở mức 17,2 tấn. Chính việc khan hiếm nguồn cung đã khiến giá vàng miếng SJC cao hơn giá vàng nhẫn tròn trơn khoảng 10 triệu đồng/lượng. Điều này đã khiến nhiều nhà đầu tư chuyển sang mua vàng nhẫn tròn trơn của doanh nghiệp vàng.

* Trong khi đó, giá vàng thế giới hôm nay tiếp tục giảm ngày thứ 3 liên tiếp xuống 1.905,8 USD/ounce, chạm mức thấp nhất trong vòng 3,5 tháng trở lại đây.

Vàng tương lai tháng 8 giao dịch lần cuối ở mức 1.917,4 USD/ounce, giảm 6,4 USD so sáng hôm qua.

Giá vàng đang phải chịu áp lực từ sức mạnh mới của “đồng bạc xanh” và lợi suất trái phiếu kho bạc sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell củng cố thêm khả năng tăng lãi suất trong thời gian tới.

Các chuyên gia cho rằng, nếu FED và các ngân hàng Trung ương trên thế giới tiếp tục lộ trình thắt chặt tiền tệ, giá vàng có thể bị đẩy xuống mốc 1.900 USD/ounce trong ngắn hạn.

AN MINH