Giá dầu thế giới
Ngay hai phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu đã liên tục “đỏ sàn”, chịu tác động bởi những lo ngại xoay quanh nền kinh tế chưa phục hồi của Trung Quốc, nhu cầu không chắc chắn của quốc gia Đông Á này. Giá dầu đã lao dốc bất chấp nhân tố tăng giá là việc cắt giảm sản lượng “khủng” của OPEC+ và sự giảm lần thứ bảy liên tiếp về số lượng giàn khoan dầu khí đang hoạt động của Mỹ.
Giá xăng dầu tuần này trải nghiệm tuần giảm. Ảnh minh họa: Reuters |
Theo Tina Teng tại CMC Markets ở Auckland, các nhà giao dịch dầu cần chứng kiến sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ được cụ thể hóa ở Trung Quốc để cải thiện triển vọng của họ về nhu cầu dầu mỏ.
Tuy nhiên, những tuần qua, lượng dự trữ dầu của Trung Quốc đã liên tục tăng. Thêm vào đó, nhiều ngân hàng lớn trên thế giới đã hạ mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm. Tổng công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc cũng đã hạ thấp mức tăng trưởng nhu cầu dầu của nước này trong năm nay đã dội một gáo nước lạnh vào những kỳ vọng ngay lập tức về nhu cầu mạnh mẽ ở nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới này.
Chuỗi giảm giá của giá dầu đã bị cắt đứt ở phiên giao dịch thứ ba của tuần giao dịch. Giá ngô và đậu tương của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong nhiều tháng làm tăng kỳ vọng rằng tình trạng thiếu hụt cây trồng trên toàn cầu có thể làm giảm sự pha trộn nhiên liệu sinh học và tăng nhu cầu dầu. Cùng với đó, giá USD giảm sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell gợi ý rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ sắp đạt được mục tiêu chính sách. Hai nhân tố kể trên đã hỗ trợ giá dầu quay đầu bật tăng xấp xỉ 2%.
Lạm phát của Anh duy trì mức 8,7% trong tháng 5 bất chấp kỳ vọng giảm đã khiến Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đưa ra một quyết định gây sốc thị trường, đó là tăng lãi suất gấp đôi so với dự kiến. Ngày 22-6, BoE đã tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm lên mức 5% để đối phó với tình trạng lạm phát cao. Đây là lần tăng lãi suất thứ 13 liên tiếp của ngân hàng này. Quyết định của BoE đã khiến giá dầu giảm sốc khoảng 4%.
Phiên giao dịch cuối cùng của tuần với giá dầu giảm nhẹ đã củng cố đà giảm của giá dầu tuần này. Cả dầu Brent và WTI đều trải nghiệm một tuần giảm giá. Dầu Brent giảm xuống mức 73,85 USD/thùng, WTI giảm xuống mức 69,16 USD/thùng.
Giá xăng dầu đảo ngược đà tăng của tuần trước, trở lại quỹ đạo giảm. Ảnh minh họa: Oilprice |
Trong tuần, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước đã giảm 3,8 triệu thùng xuống còn 463,3 triệu thùng, trái ngược so với kỳ vọng tăng 300.000 thùng của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters. Trong khi đó, dự trữ xăng của Mỹ tăng khoảng 480.000 thùng lên 221,4 triệu thùng; cùng với sự tăng trong dự trữ xăng, dự trữ các sản phẩm chưng cất của Mỹ, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi, cũng tăng khoảng 430.000 thùng lên 114,3 triệu thùng.
Với việc các nhà giao dịch đang mua dầu WTI, Oilprice cho biết, giá dầu có thể phục hồi trong thời gian ngắn trước khi tiếp tục giảm.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 25-6 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 20.878 đồng/lít. Xăng RON 95 không quá 22.015 đồng/lít. Dầu diesel không quá 18.174 đồng/lít. Dầu hỏa không quá 17.956 đồng/lít. Dầu mazut không quá 14.587 đồng/kg. |
Giá xăng dầu trong nước nói trên đã được điều chỉnh tại kỳ điều hành giá của liên Bộ Tài chính – Công Thương chiều 21-6 với giá xăng giữ nguyên, giá dầu diesel và dầu hỏa tăng nhẹ chưa đến 150 đồng/lít, trong khi giá dầu mazut giảm 132 đồng/kg.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 18 lần điều chỉnh, trong đó 9 lần tăng, 6 lần giảm, và 3 lần giữ nguyên.
MAI HƯƠNG