Giá dầu thế giới

Lúc 5 giờ 55 phút ngày 12-6 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 74,52 USD/thùng, giảm 27 cent, tương đương 0,36%. Cùng thời điểm, giá dầu WTI của Mỹ giảm 22 cent, tương đương 0,31%, xuống mức 69,95 USD/thùng.

 Giá xăng dầu kéo dài đà lao dốc cuối tuần trước. Ảnh minh họa: Oilprice

Giá dầu tiếp tục lao dốc, kéo dài chuỗi giảm giá của các phiên giao dịch hồi cuối tuần trước bất chấp thông tin Bộ Năng lượng Mỹ có kế hoạch mua thêm 3 triệu thùng dầu để bổ sung cho kho dự trữ dầu chiến lược của mình trong tháng 9. Vào tháng 8 tới, 3,1 triệu thùng dầu với mức giá trung bình 73 USD/thùng sẽ được cung ứng cho kho dự trữ dầu này theo hợp đồng ký kết giữa Bộ Năng lượng Mỹ và 5 nhà cung cấp.

Năm ngoái, Mỹ đã giải phóng tới 180 triệu thùng dầu, một con số kỷ lục, trong một nỗ lực nhằm “hạ nhiệt” giá dầu tăng nóng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Những tưởng rằng quyết định thu mua dầu của Mỹ sẽ hỗ trợ giá dầu quay đầu tăng tốc, nhưng không, giá dầu vẫn duy trì đà giảm.

Tuần trước, cả dầu Brent và WTI đều đã giảm hơn 1 USD. Giá dầu Brent giảm 1,34 USD xuống mức 74,79 USD/thùng, dầu WTI giảm 1,57 USD xuống mức 70,17 USD/thùng. Cả hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn này đã giảm tuần thứ hai liên tiếp bởi các yếu tố tác động chính là dữ liệu kinh tế yếu của Trung Quốc, dự trữ xăng của Mỹ tăng, và khả năng thị trường sẽ sớm có sự có mặt của dầu Iran.

Tờ Haaretz của Israel đã đưa tin rằng các cuộc đàm phán đang tiến triển nhanh hơn dự kiến, với khả năng Mỹ và Iran sẽ đạt được một thỏa thuận trong vài tuần nữa. Các điều khoản của thỏa thuận có thể bao gồm việc Iran ngừng các hoạt động làm giàu uranium ở mức 60% và cao hơn để đổi lấy việc được phép xuất khẩu tới 1 triệu thùng dầu/ngày. Tin tức này đã nhanh chóng đẩy giá dầu WTI của Mỹ xuống gần 5% và duy trì mức giao dịch dưới 70 USD/thùng trong thời gian ngắn. Nhưng ngay trong phiên giao dịch đó, giá dầu đã lấy lại được gần như tối đa mức mất mát khi thông tin này đã được cả Mỹ và Iran cải chính.

Cũng trong tuần trước, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ xăng của Mỹ trong tuần trước nữa tăng 2,8 triệu thùng, dự trữ dầu diesel tăng 5,1 triệu thùng. Sự bất ngờ gia tăng trong dự trữ nhiên liệu của Mỹ làm dấy lên lo ngại về mức tiêu thụ của quốc gia sử dụng dầu hàng đầu thế giới này.

Trong khi đó, dữ liệu công bố của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho thấy, chỉ số giá sản xuất (PPI) tại Trung Quốc trong tháng 5 đã giảm 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái – mức giảm mạnh nhất trong vòng 7 năm. PPI sụt giảm vì nhu cầu nói chung suy yếu, và giá cả hàng hóa trên toàn cầu cũng trên đà giảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Trung Quốc tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm 2022, thấp hơn dự báo 0,3% và cao hơn mức 0,1% trong tháng 4.

Giá xăng dầu bắt đầu tuần biến động. Ảnh minh họa: Reuters 

Ngày mai (13-6), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu cuộc họp kéo dài 2 ngày để thảo luận việc tăng hay giữ nguyên lãi suất. Các nhà phân tích dự đoán, nhiều khả năng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất sau 1 năm tăng lãi suất mạnh mẽ để kiềm chế lạm phát. Nếu đúng như dự báo, quyết định này của Fed sẽ giúp giá dầu tăng tốc trở lại.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 12-6 cụ thể như sau:

Xăng E5 RON 92 không quá 20.878 đồng/lít.

Xăng RON 95 không quá 22.015 đồng/lít.

Dầu diesel không quá 17.943 đồng/lít.

Dầu hỏa không quá 17.771 đồng/lít.

Dầu mazut không quá 14.883 đồng/kg.

Giá xăng dầu thế giới hai tuần qua đều giảm, tuy nhiên, giá tham chiếu tại thị trường Singapore lại tăng nhẹ, nên nhiều khả năng tại kỳ điều hành giá của liên Bộ Tài chính – Công Thương chiều nay (12-6), giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh tăng nhẹ tối đa 200 đồng/lít (kg) hoặc giữ nguyên.

Nếu đúng như dự báo, giá xăng trong nước sẽ tăng lần thứ 3 liên tiếp. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 15 lần điều chỉnh, trong đó 9 lần tăng, 5 lần giảm, và 1 lần giữ nguyên.

MAI HƯƠNG