Bảo vệ dữ liệu cá nhân là nhiệm vụ cần thiết
Hội nghị tập trung vào 2 nội dung chính là phổ biến, hướng dẫn triển khai thi hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17-4-2023 của Chính phủ về Bảo vệ dữ liệu cá nhân đối với các tổ chức, doanh nghiệp và trao đổi, giải đáp những câu hỏi có liên quan đến nội dung của nghị định này.
Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Trung tướng Nguyễn Minh Chính nhấn mạnh, thực trạng dữ liệu cá nhân bị mua bán, lộ, mất, công khai trên không gian mạng đang diễn ra tràn lan nhưng chúng ta thiếu quy định của pháp luật để xử lý. Hiến pháp và pháp luật đã ghi nhận về quyền bảo vệ bí mật cá nhân, quyền con người, quyền công dân nhưng chưa có văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trong khi đó, đã có hơn 80 quốc gia trên thế giới ban hành luật, quy định pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Theo Trung tướng Nguyễn Minh Chính, tình hình trên đã đặt ra yêu cầu bảo vệ tương xứng với việc sử dụng, khai thác dữ liệu cá nhân đúng mục đích. Để đạt được sự cân bằng này, trước hết và quan trọng nhất là xây dựng được nền tảng pháp lý căn bản về bảo vệ dữ liệu cá nhân, thống nhất cách hiểu về khái niệm và nội hàm của dữ liệu cá nhân, định hình được vị trí, trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp trong các hoạt động liên đến xử lý dữ liệu cá nhân trên môi trường số và tổ chức bảo vệ dữ liệu cá nhân khoa học, hiệu quả, với sự phối hợp xuyên suốt giữa các tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan quản lý, thực thi pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Quang cảnh hội nghị |
Thông tin từ hội nghị cho thấy, nhiều doanh nghiệp, công ty kinh doanh dịch vụ có thu thập dữ liệu cá nhân của khách hàng, cho phép các đối tác thứ ba tiếp cận thông tin dữ liệu cá nhân nhưng không có yêu cầu, quy định chặt chẽ, để đối tác thứ ba chuyển giao, buôn bán cho các đối tác khác. Việc mua bán được tiến hành qua website, tài khoản, trang, nhóm trên mạng xã hội, diễn đàn tin tặc. Việc thanh toán được thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng, nhiều giao dịch ghi rõ nội dung mua bán dữ liệu.
Gần 1.300GB dữ liệu cá nhân bị mua, bán trái phép
Chia sẻ về quá trình đấu tranh với việc mua, bán dữ liệu cá nhân thời gian qua. Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết, chỉ trong 2 năm từ năm 2019 đến năm 2020, Bộ Công an đã phát hiện hàng trăm cá nhân, tổ chức liên quan mua, bán dữ liệu cá nhân. Một số đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu quy mô lớn tại Việt Nam đã bị phát hiện, đấu tranh, xử lý. Số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép phát hiện được lên tới gần 1.300GB, trong đó có nhiều dữ liệu cá nhân nội bộ, nhạy cảm.
Đông đảo khách mời tham gia hội nghị |
Tại hội nghị, Trung tá Triệu Mạnh Tùng đã làm rõ sự cần thiết của việc ban hành Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân, giải thích nhiều khái niệm được quy định trong nghị định như: Dữ liệu cá nhân; chủ thể dữ liệu; dữ liệu cá nhân cơ bản; dữ liệu cá nhân nhạy cảm; các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân đối với tổ chức, doanh nghiệp;…Đặc biệt, nghị định có quy định rất rõ quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu trong các hoạt động liên quan đến dữ liệu cá nhân. Đây là điều cần phổ biến rộng rãi để người dân nắm được và có thể tự bảo vệ dữ liệu, thông tin bản thân.
Trước băn khoăn của Công ty Cổ phần quản lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam liên quan tới việc dữ liệu cá nhân được thu thập và xử lý trước ngày Nghị định 13/2023/NĐ-CP có hiệu lực thì có phải chịu sự điều chỉnh của nghị định này hay không. Trung tá Triệu Mạnh Tùng cho biết, dữ liệu cá nhân thu thập trước ngày Nghị định 13/2023/NĐ-CP có hiệu lực vẫn thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định. Tuy nhiên, lúc này, tổ chức, cá nhân có liên quan không cần xin lại sự đồng ý của chủ thể dữ liệu đối với các dữ liệu đã được chủ thể dữ liệu cung cấp trước ngày 1-7-2023. Các nghĩa vụ khác vẫn thực hiện theo quy định của nghị định.
Tin, ảnh: HOÀNG CHUNG