(KTSG) – Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là một tài liệu quan trọng trong quy trình một dự án đầu tư được phê duyệt. Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có những quy định mới về ĐTM. Tác giả đã tìm hiểu các văn bản…
(KTSG) – Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là một tài liệu quan trọng trong quy trình một dự án đầu tư được phê duyệt. Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có những quy định mới về ĐTM. Tác giả đã tìm hiểu các văn bản ĐTM có liên quan của Dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, đối chiếu với luật, có một số nhận xét bước đầu với mong muốn đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sớm có một cao tốc hài hòa với môi trường và bền lâu.
Dự án đường cao tốc Cần Thơ – Cà Mau được chia ra hai dự án thành phần, Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau và đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt.
Những thông tin cơ bản về tuyến được thể hiện trong bảng 1.
Tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau được định vị trên nền môi trường vật lý; trên nền diện tích lũ lớn các năm 2000 và 2011; trên nền sơ đồ sụt lún mặt đất và đối chiếu với diện tích có khả năng bị ngập do nước biển dâng vào năm 2100, và được tóm tắt trong bảng 2.
Tìm hiểu từ Biên bản các phiên họp Hội đồng thẩm định các báo cáo ĐTM kèm theo các Văn bản 2321 và 2271, tác giả đã đi đến các nhận xét bước đầu dưới đây:
1. Thẩm định đánh giá ĐTM không cân đối giữa hai dự án thành phần.
ĐTM của dự án thành phần Cần Thơ – Hậu Giang được quan tâm nhiều hơn dự án thành phần Hậu Giang – Cà Mau, thể hiện qua số câu hỏi (9/1) và phần trả lời của đại diện của chủ dự án.
Sự không cân đối tương phản với độ phức tạp về môi trường và trên hiện trường.
Tuyến cao tốc Hậu Giang – Cà Mau dài hơn gấp đôi, số cầu cũng nhiều hơn gấp đôi và nhất là các môi trường vật lý mà tuyến cao tốc thành phần đi qua nhiều hơn, phức tạp hơn, cao trình mặt đất trũng thấp hơn, nền đất yếu hơn, sụt lún mặt đất với tốc độ nhanh hơn,…
ĐTM ở địa bàn càng khó, công tác thẩm định đáng lý càng phải sâu sát hơn.
2. Công tác thẩm định chưa đi vào những nội dung chính yếu.
Xin đơn cử hai ví dụ cụ thể. Sức nặng của các tuyến cao tốc lên nền đất yếu sẽ gây ra thêm sụt lún mặt đất vốn dĩ đang sụt lún, không được thẩm định ở cả hai dự án thành phần. Tương tự, hai bên cao tốc trước là một cảnh quan, một sinh kế nay bị ngăn cách, rất đáng quan tâm về mặt môi trường, chưa nói đến về mặt kinh tế – xã hội.
3. Công tác thẩm định chủ yếu quan tâm đến những tác động khi thi công dự án. Sau khi hoàn thành công trình thì sao?
Nội dung thẩm định ĐTM trong hai dự án thành phần theo đúng khoản 7, điều 34 của Luật Bảo vệ môi trường. Cấu trúc do vậy như nhau. Nội dung cũng gần giống như nhau mặc dù đặc thù của địa bàn hai đoạn rất khác nhau.
Nội dung thẩm định chủ yếu là tác động môi trường trong giai đoạn thi công dự án. Không thấy đánh giá ĐTM của dự án sau khi hoàn thành việc xây dựng.
Về vấn đề này, Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định tại khoản 7, điều 3, giải thích từ ngữ, “Đánh giá tác động môi trường là quá trình phân tích, đánh giá, nhận dạng, dự báo tác động đến môi trường của dự án đầu tư và đưa ra biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”.
Không có cụm từ nào trong điều khoản này giới hạn đánh giá ĐTM chỉ ở giai đoạn thi công dự án đầu tư.
4. Cần đánh giá sơ bộ tác động môi trường theo điều 29 của Luật Bảo vệ môi trường.
Từ phản biện hai dự án đầu tư lớn (về tổng vốn đầu tư và về mặt cải tạo môi trường tự nhiên), và từ ý nghĩa quan trọng đối với tính bền vững và tính khả thi của những dự án đầu tư lớn, tác giả đã góp ý vào dự thảo Luật Bảo vệ môi trường 2020 rằng cần có đánh giá sơ bộ tác động môi trường ngay từ bước báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 ở khoản 2, điều 29 quy định thời điểm đánh giá sơ bộ tác động môi trường (được thực hiện trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, đề xuất chủ trương đầu tư), và khoản 3, ghi rõ các nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường.
Tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau đi qua một địa bàn hết sức phức tạp. Tổng vốn đầu tư 27.523,39 tỉ đồng, sử dụng 798 héc ta mặt đất (riêng tỉnh Hậu Giang 362 héc ta và 2.067 hộ liên quan đến giải phóng mặt bằng), cần một lượng cát đắp nền rất lớn 18,07 triệu mét khối. Qua các tài liệu có được, tác giả nghĩ rằng quy định mới trên đây đã không được các chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước về môi trường thực hiện.
Nếu điều 29 của Luật Bảo vệ môi trường, đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đã được tuân thủ thì đã sớm thấy cái giá phải trả cho phương án xây dựng tuyến cao tốc trên mặt đất là quá đắt, khả năng sa lầy rất cao thậm chí khó khả thi, và đã tìm một phương án khác.
5. ĐTM của cả tuyến cao tốc có phải là ĐTM của hai phân đoạn gộp lại?
Chia một dự án đầu tư ra hai dự án thành phần để triển khai là hiểu được vì những lý do hành chính, quản lý nhà nước về đất đai cần giải phóng mặt bằng, số hộ dân có thể phải tái định cư,… Nhưng ĐTM của cả tuyến cao tốc có phải là ĐTM của hai phân đoạn gộp lại hay không, vấn đề này cần được đặt ra vì tính đúng đắn của cách làm.
Nếu đánh giá ĐTM chỉ giới hạn trong giai đoạn thi công công trình thì có thể cho qua, nhưng nếu đánh giá ĐTM của toàn tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau sau khi dự án hoàn thành phần xây dựng thì tác giả cho rằng phải xét ĐTM trên toàn bộ tuyến cao tốc.
(*) Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật nhà nước, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI.
Kinh tế Sài Gòn Online