(Chinhphu.vn) – Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, trong 3 năm tới, Việt Nam ước tính sẽ cần có khoảng 20.000 nhà môi giới hàng hóa chuyên nghiệp. Chúng ta cần có tầm nhìn xa hơn, cần xây dựng một môi trường đào tạo bài bản cho các nhà…
Ngày 18/5, tại Hà Nội, đã diễn ra một loạt các sự kiện trong chuỗi sự kiện, hội thảo của thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam. Các sự kiện này đã đánh dấu bước phát triển và mở rộng của thị trường sau 5 năm được liên thông giao dịch với thị trường thế giới.
Sáng 18/5, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) đã tổ chức buổi Tập huấn thành viên năm 2023 với quy mô toàn quốc. Đây là sự kiện được MXV tổ chức thường niên, giúp các thành viên thị trường cập nhật và hiểu rõ định hướng phát triển thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam.
Tính đến nay, MXV đang có 30 thành viên kinh doanh và 2 thành viên môi giới được chính thức cấp phép hoạt động; cùng các văn phòng và chi nhánh tại khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Kể từ năm nay, bên cạnh việc công bố Top thị phần môi giới của các thành viên hằng quý, MXV đã công bố Bảng xếp hạng các thành viên thị trường. Bảng xếp hạng này là một trong những tiêu chuẩn mang tính quốc tế của thị trường hàng hóa, được nhiều Sở Giao dịch hàng hóa lớn trên thế giới áp dụng.
Trong khuôn khổ buổi tập huấn, MXV đã vinh danh và trao bằng khen cho các thành viên có thành tích xuất sắc, đóng góp tích cực và đạt kết quả hoạt động ấn tượng trong năm 2022.
Bốn thành viên được xếp hạng xuất sắc trong năm 2022 bao gồm: Công ty CP Giao dịch hàng hóa Gia Cát Lợi, Công ty CP Saigon Futures, Công ty TNHH Đầu tư Quốc tế Hữu Nghị (Finvest) và Công ty CP Giao dịch hàng hóa Thành phố Hồ Chí Minh (HCT).
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc MXV cho biết: “Việc tổ chức xếp hạng, đánh giá các thành viên sẽ là công tác hằng năm được MXV thực hiện và công bố đối với toàn thị trường. Tôi nghĩ đây là dấu mốc rất quan trọng, đánh dấu sự phát triển chuyên nghiệp hơn của thị trường hàng hóa. Các thành viên hoạt động tốt, hiệu quả trong thời gian qua đã có sự ghi nhận một cách cụ thể; còn những thành viên khác sẽ có động lực để phấn đấu, hoạt động hiệu quả hơn”.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, MXV và Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) đã ký kết hợp tác chiến lược. Ngân hàng MSB sẽ cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tài chính, giao dịch tài khoản, ngân hàng điện tử và nhiều dịch vụ đặc thù khác cho thị trường giao dịch hàng hóa. Dịch vụ của MSB cũng sẽ được cung cấp đến với tất cả các thành viên trên thị trường giao dịch hàng hóa, là bước tiến quan trọng của thị trường trong mục tiêu nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với thị trường giao dịch hàng hóa thế giới.
Ông Nguyễn Thế Minh, Phó Tổng Giám đốc MSB cho biết: “Thị trường giao dịch hàng hóa là một thị trường cực kỳ tiềm năng, với hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu nhà đầu tư trong tương lai. Vì thế, MSB rất vui mừng khi là trở thành đối tác chiến lược của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam. Hai bên sẽ cùng hợp tác, hỗ trợ nâng cao chất lượng của các nghiệp vụ chuyển tiền, xây dựng các công cụ, tiện ích, các dịch vụ tài chính phục vụ hoạt động giao dịch của doanh nghiệp và nhà đầu tư”.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thị trường hàng hóa đối với các thị trường còn khá mới mẻ tại Việt Nam như giao dịch hàng hóa, bên cạnh quá trình số hóa, tự động hóa, nguồn nhân lực cũng là một vấn đề cần nhiều sự quan tâm trong thời gian tới.
Để thị trường phát triển hiệu quả và bền vững, công tác đào tạo về cả kiến thức, đạo đức và kỹ năng cho các nhà môi giới, nhà đầu tư, là một trong những trọng tâm trong hoạt động tổ chức và vận hành thị trường.
Cũng trong ngày 18/5, MXV đã ký kết hợp tác chiến lược với Học viện Ngân hàng, để đẩy mạnh công tác đào tạo, phổ biến kiến thức về thị trường giao dịch hàng hóa đến với các bạn sinh viên.
Theo Nhà giáo ưu tú, PGS.TS Mai Thanh Quế, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, “Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, trong 3 năm tới, Việt Nam ước tính sẽ cần có khoảng 20.000 nhà môi giới hàng hóa chuyên nghiệp. Chúng ta cần có tầm nhìn xa hơn, cần xây dựng một môi trường đào tạo bài bản cho các nhà môi giới, nhà đầu tư ngay từ trên giảng đường đại học, học viện.
Chính vì thế, Học viện Ngân hàng đang nghiên cứu để đưa giao dịch hàng hóa trở thành một môn học, hoặc một nội dung được giảng dạy cho các bạn sinh viên, để bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cho thị trường hàng hóa trong tương lai”.
Chuỗi sự kiện trong hai ngày 17-18/05 của thị trường giao dịch hàng hóa đã kết thúc thành công tốt đẹp. Các sự kiện nhận được sự quan tâm sâu rộng của các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước. Đây sẽ là động lực giúp thị trường hàng hóa phát triển bùng nổ hơn trong tương lai, là minh chứng cho thấy sự chuyên nghiệp của thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam, tiệm cận với các tiêu chuẩn trên thị trường thế giới.