(KTSG Online) – UBND tỉnh Quảng Ninh vừa đồng thuận xây dựng Đề án “Điều chỉnh ranh giới vùng đệm di sản vịnh Hạ Long”. Theo đó, tỉnh đề xuất điều chỉnh một vùng đệm rộng hơn 300 km2 để bảo vệ cho khu vực di sản. Bãi Cháy giờ…
(KTSG Online) – UBND tỉnh Quảng Ninh vừa đồng thuận xây dựng Đề án “Điều chỉnh ranh giới vùng đệm di sản vịnh Hạ Long”. Theo đó, tỉnh đề xuất điều chỉnh một vùng đệm rộng hơn 300 km2 để bảo vệ cho khu vực di sản.
Theo cổng thông tin Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, vùng đệm di sản vịnh Hạ Long là một khu vực rộng lớn với diện tích khoảng 306,5 km2, có tác dụng tạo thêm lớp bảo vệ cho khu vực di sản.
Tại thời điểm lập hồ sơ di sản vịnh Hạ Long trình UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới cách đây gần 30 năm, phần ranh giới vùng đệm được thực hiện theo khuyến nghị của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) kéo dài từ 4 km đến 5 km tính từ ranh giới vùng lõi trở ra.
Đến nay, hầu hết các phường của thành phố Hạ Long như: Tuần Châu, Đại Yên, Hùng Thắng, Bãi Cháy, Hồng Hà, Hồng Hải, Hà Tu, Hà Phong; các xã đảo Ngọc Vừng, Thắng Lợi của Vân Đồn; xã Hoàng Tân của thị xã Quảng Yên và một phần quần đảo Cát Bà – Hải Phòng đều nằm trong vùng đệm di sản vịnh Hạ Long.
Tốc độ đô thị hóa nhanh của các khu dân cư, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn… cũng dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý, bảo tồn, sử dụng và phát huy di sản thế giới vịnh Hạ Long và vùng đệm trong hiện tại và tương lai.
Cổng thông tin UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, tại buổi họp nghe báo cáo Đề án “Điều chỉnh ranh giới vùng đệm di sản vịnh Hạ Long”, UBND tỉnh đồng thuận xây dựng đề án điều chỉnh ranh giới vùng đệm di sản, đồng ý đề xuất điều chỉnh vùng đệm rộng hơn 300 km2 để bảo vệ cho khu vực di sản.
UBND tỉnh yêu cầu Ban Quản lý vịnh Hạ Long làm rõ căn cứ pháp lý để điều chỉnh ranh giới vùng đệm di sản vịnh Hạ Long, đảm bảo phát huy hiệu quả công tác bảo tồn di sản, đảm bảo lợi ích thiết thực cho cộng đồng dân cư nằm trong vùng đệm di sản.
Ban Quản lý vịnh Hạ Long nghiên cứu bổ sung các nội dung về tác động phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng kinh tế duyên hải Bắc bộ, tham mưu cho UBND tỉnh xin ý kiến các đơn vị quản lý di sản thuộc Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch; phối hợp với các cơ quan của thành phố Hải Phòng để bổ sung các nội dung liên quan quy hoạch bảo tồn quần đảo Cát Bà vào đề án, báo cáo UBND tỉnh xem xét phê duyệt.
Kinh tế Sài Gòn Online