(KTSG Online) – Liên quan đến các giải pháp quản lý phát triển hệ thống giao thông công cộng (TOD) trong quy hoạch xây dựng TPHCM, Viện Nghiên cứu và Phát triển vừa đề xuất quy hoạch tổng thể hệ thống đường sắt đô thị ngầm với tổng chiều dài…
(KTSG Online) – Liên quan đến các giải pháp quản lý phát triển hệ thống giao thông công cộng (TOD) trong quy hoạch xây dựng TPHCM, Viện Nghiên cứu và Phát triển vừa đề xuất quy hoạch tổng thể hệ thống đường sắt đô thị ngầm với tổng chiều dài khoảng 300-500 km phủ kín Vành đai 2 cho vùng lõi thành phố, vốn đầu tư lên đến 22-25 tỉ đô la.
Cổng thông tin Sở Quy hoạch và Kiến trúc cho biết, Viện Nghiên cứu và Phát triển (PDI) vừa hoàn thành báo cáo nghiên cứu đề xuất phát triển hệ thống MRT theo định hướng mô hình TOD, tập trung vào phát triển hệ thống đường sắt đô thị của TPHCM, cơ chế quản lý đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, thu hồi đất quanh các nhà ga để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng.
PDI cũng phân tích những bất cập, tồn tại trong phát triển giao thông công cộng TPHCM và đề xuất dự án xây dựng hệ thống đường sắt đô thị đồng bộ cho vùng lõi TPHCM trước năm 2035 kết hợp với chỉnh trang và phát triển đô thị hiệu quả theo mô hình TOD.
Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc, hệ thống đường sắt đô thị ngầm sẽ có tổng chiều dài khoảng 300-500 km phủ kín Vành đai 2 cho vùng lõi thành phố, mỗi hướng tính từ trung tâm thành phố đi qua các khu vực đông dân cư đô thị cũ và mới; khoảng cách giữa các nhà ga từ 1-1,2 km.
Tuyến metro ngầm với 3 hợp phần là đường hầm – đường ray; đầu máy toa xe – hệ thống điều hành và nhà ga sẽ kết hợp với quy hoạch phát triển các khu đô thị tổng hợp theo mô hình TOD hiện đại, đa chức năng khép kín, khai thác không gian ngầm gắn với nhà ga tàu điện ngầm với khoảng cách giữa các ga.
Hợp phần đường hầm dự kiến có đơn giá 45 triệu đô la/km, gồm khoan, lắp đặt hệ thống đường ống bê tông, đường ray và hệ thống hộc kỹ thuật, điện, thông gió… Hợp phần này dùng vốn Nhà nước.
Theo tính toán sơ bộ của PDI, với suất đầu tư 45 triệu đô la/km đường ống cho hệ thống chạy ngầm dưới lòng đất khu vực nội thành trong Vành đai 3 (khoan ngầm, gia cố, lắp đặt ống bê tông, đường ray và hệ thống công nghệ điện, thông gió…). Tổng mức đầu tư xây dựng 500 km của toàn TPHCM sẽ là 22,5 tỉ đô la và có thể dùng cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất từ dự án để tạo nguồn thu cho hợp phần này.
Theo tính toán sơ bộ, tổng chi phí đầu máy toa xe cho hợp phần đầu máy toa xe – hệ thống điều hành là 6,4 tỉ đô la. Hợp phần này dùng vốn tư nhân, thu hồi vốn và lãi thuần túy từ phí bán vé (giá vé dự kiến là 1,5 đô la/hành khách).
Hợp phần 3, nhà ga – đô thị TOD sẽ dùng vốn tư nhân. Mỗi TOD sẽ bao gồm nhà ga – đô thị vệ tinh. Trong đó, có khu chung cư ở tầng trên, các dịch vụ công cộng như trường học, y tế (phòng khám, y tế cộng đồng), hoạt động thể thao, giải trí công cộng, rạp phim, khách sạn, trung tâm thương mại tổng hợp. Nếu trên toàn tuyến chọn được 300 địa điểm để làm TOD thì diện tích bình quân mỗi TOD là 7,5 héc-ta.
TPHCM dự kiến sẽ khảo sát, điều chỉnh hướng tuyến, mạng lưới toàn thành phố, quy hoạch các TOD đến hết tháng 9-2023. Sau đó, PDI sẽ triển khai thực hiện dự án từ tháng 1-2025 đến tháng 12-2035 với nhiều bước nếu được cơ quan chức năng thông qua.
Liên quan đến vốn đầu tư cho hệ thống đường sắt đô thị TPHCM, Ban quản lý Đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) cho biết, để hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch với 8 tuyến đường sắt đô thị, TPHCM cần tổng số vốn 25,8 tỉ đô la.
Tại hội thảo mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) và quan hệ đối tác công tư (PPP) cho hệ thống đường sắt đô thị TPHCM, đại diện MAUR thông tin, các nguồn vốn xây dựng các tuyến metro chủ yếu đến từ đầu tư công và vốn vay ODA, trong đó vốn ODA khoảng 6,5 tỉ đô la (đạt khoảng 23%), vốn ngân sách chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu để đạt mục tiêu xây dựng hạ tầng nói chung và hạ tầng TPHCM nói riêng giai đoạn 2021-2025.
Cổng thông tin Thành ủy TPHCM cho biết, đầu tư các dự án đường sắt đô thị theo hợp đồng PPP là hướng đi tất yếu nhưng thủ tục thực hiện dự án đầu tư đang khá phức tạp. Theo thống kê của MAUR, trong trường hợp nhà đầu tư chủ động đề xuất thực hiện dự án, quy trình thực hiện gồm 52 bước, chia thành 4 giai đoạn; trường hợp hợp chủ đầu tư đề xuất và thực hiện nghiên cứu báo cáo tiền khả thi, sau đó lập kế hoạch khảo sát, kêu gọi nhà đầu tư tham gia thì rút ngắn còn 48 bước.
Để có thể thu hút được nhà đầu tư tham gia dự án metro theo hình thức PPP (đối tác công -tư), Phó chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, thành phố đã kiến nghị về cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng giao thông, thí điểm mô hình TOD gắn với quy hoạch đô thị vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến metro.
Nếu dự thảo nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM được Quốc hội thông qua, thành phố sẽ có cơ chế để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống đường sắt đô thị.
Kinh tế Sài Gòn Online