Chiều 12-5, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.

Đề xuất nhiều cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Hồ Chí Minh 

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh nhằm tạo ra các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.

Đồng thời, góp phần xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như mục tiêu đã đặt ra tại Nghị quyết số 24, Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 81 của Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Việc xây dựng dự thảo nghị quyết nhằm tạo ra các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.

Dự thảo Nghị quyết bao gồm 12 điều, quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh về: Quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách Nhà nước; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền thành phố và TP Thủ Đức.

Trong đó, đáng chú ý là, dự thảo nghị quyết quy định thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD); quy định các điều kiện để thành phố tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất. Dự thảo nghị quyết cũng quy định Hội đồng nhân dân thành phố quyết định dự toán, phân bổ ngân sách thành phố bảo đảm phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế – xã hội và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Chính phủ…

Lựa chọn có trọng tâm, tránh dàn trải

Đại diện cơ quan thẩm tra, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai bày tỏ tán thành về sự cần thiết ban hành nghị quyết vì đủ căn cứ chính trị, cơ sở pháp lý và căn cứ thực tiễn; song cũng nhấn mạnh, ngoài những quan điểm nêu trong tờ trình, việc ban hành nghị quyết cần lưu ý một số quan điểm và nguyên tắc cơ bản.

Đó là, các quy định cần tháo gỡ kịp thời vướng mắc về thể chế đang cản trở phát triển, phát huy tiềm năng, khắc phục sức ì trong thực hiện các định hướng thời gian qua; song tuyệt đối không lợi dụng việc xây dựng pháp luật để hợp thức hóa sai phạm. Chính sách mới cần “mang tính đột phá”, “vượt trội” theo đúng tinh thần Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 81 của Quốc hội; song cũng cần khả thi, có trọng tâm, không dàn trải; tránh lợi dụng chính sách gây thất thoát, lãng phí…

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai đề nghị cần có sự lựa chọn, có trọng tâm, tránh dàn trải để mỗi chính sách đều có cơ hội đi vào cuộc sống.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị quyết, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai còn lưu ý, với phạm vi chính sách như trong dự thảo thì đã đủ để tháo gỡ vướng mắc về thể chế đang cản trở tiến trình phát triển hay chưa. Mặt khác, xét về số lượng chính sách là tương đối rộng, do vậy, cần có sự lựa chọn, có trọng tâm, tránh dàn trải để mỗi chính sách đều có cơ hội đi vào cuộc sống.

Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất cho rằng, TP Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước. Mấy năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu khiến TP Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng nặng nề, từ đó ảnh hưởng chung đến tình hình kinh tế của cả nước.

Do đó, cần thiết ban hành nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh thay thế Nghị quyết 54 và cần mạnh dạn thí điểm thật đủ mạnh để giúp TP Hồ Chí Minh bứt phá đi lên.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cảm ơn các ý kiến góp ý tại phiên họp; cho rằng, nếu dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh được thông qua, TP Hồ Chí Minh sẽ cần chuẩn bị rất nhiều điều kiện để có thể đáp ứng được việc triển khai nghị quyết này trong thực tế, như kế hoạch giám sát, củng cố bộ máy nhân lực… để chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện. Thành phố cũng đã phân công các cơ quan phụ trách các vấn đề này.

Nhấn mạnh TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội và các cơ quan có liên quan để hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết trong thời gian sớm nhất, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi mong muốn dự thảo nghị quyết sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo và có thể được thông qua tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới.

THẢO NGUYÊN