Bài cuối: Cần giải pháp đột phá thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới

(Chinhphu.vn) – Nếu chúng ta quyết tâm thay đổi, từ tư duy đến hành động thì hoạt động thương mại khu vực biên giới Việt-Trung sẽ có sự đột phá về cả về chất và lượng, góp phần tạo nên diện mạo mới cho miền núi, vùng cao, biên giới,…

Fatz Admin lúc 2023-05-05

(Chinhphu.vn) – Nếu chúng ta quyết tâm thay đổi, từ tư duy đến hành động thì hoạt động thương mại khu vực biên giới Việt-Trung sẽ có sự đột phá về cả về chất và lượng, góp phần tạo nên diện mạo mới cho miền núi, vùng cao, biên giới, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống người dân.

Bài cuối: Cần giải pháp đột phá thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới - Ảnh 1.

Xe container hàng hóa qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh)

Năm 2023 là cột mốc đánh dấu sự phục hồi hoạt động thông quan hàng hóa sau thời gian dài ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, hoạt động xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu sẽ có nhiều thuận lợi, song cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, rất cần những giải pháp cho tình hình mới.

Thay đổi nhận thức về thị trường Trung Quốc ‘dễ tính’

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết Đề án thương mại biên giới Việt-Trung chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch vẫn đang trong quá trình soạn thảo, một trong những yếu tố mang tính quyết định giúp đề án có thể thành công là thay đổi nhận thức của các cấp, đặc biệt là chính quyền địa phương cũng như doanh nghiệp hoạt động ở khu vực biên giới.

TIN LIÊN QUAN

  • Thúc đẩy xuất khẩu khu vực biên giới, nâng cao vị thế hàng Việt

    Thúc đẩy xuất khẩu khu vực biên giới, nâng cao vị thế hàng Việt

  • Bài 2: Thương mại biên giới Việt - Trung: Kỳ vọng bước chuyển 'cửa khẩu số'

    Bài 2: Thương mại biên giới Việt – Trung: Kỳ vọng bước chuyển ‘cửa khẩu số’

  • Bài 3: Thêm nhiều cơ hội cho nông sản, thủy sản Việt

    Bài 3: Thêm nhiều cơ hội cho nông sản, thủy sản Việt

  • Bài 4: Vị thế hàng Việt sang Trung Quốc: Chất lượng và chính ngạch là ưu tiên hàng đầu

    Bài 4: Vị thế hàng Việt sang Trung Quốc: Chất lượng và chính ngạch là ưu tiên hàng đầu

Theo ông Hải, giải pháp chính để chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch là từ các cấp chính quyền cần tích cực trao đổi, đàm phán với nước bạn để tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp của hai nước kinh doanh.

Từ góc độ doanh nghiệp, xu thế chính ngạch, đưa hàng hoá qua các cửa khẩu quốc tế là tất yếu nên chúng ta phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu của giao thương quốc tế, giống như khi hàng của chúng ta đi bằng đường biển hoặc đường hàng không.

“Thị trường Trung Quốc không còn được coi là “dễ tính” nữa, họ đã có các biện pháp quản lý nhập khẩu giống như các nước phát triển đang thực hiện nên doanh nghiệp của chúng ta phải đáp ứng yêu cầu ngay từ quá trình sản xuất, thu mua, chế biến trước khi được đưa lên biên giới xuất khẩu sang nước bạn, tránh ở mức thấp nhất hàng hoá có thể bị trả lại, gây ra ùn tắc khu vực biên giới.

Có thể có những khó khăn ở giai đoạn đầu tiên, nhưng sau đó chúng ta phải “làm quen” thật nhanh để có được quy trình mang tính thường quy, nâng cao được số lượng và duy trì được sự ổn định về chất lượng”, Ông Hải chia sẻ.

Để thúc đẩy hơn nữa thương mại chính ngạch, theo ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, việc đầu tiên chúng ta cần làm là thông tin, “phủ sóng” rộng hơn về hoạt động thương mại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc để doanh nghiệp có được những đánh giá đúng và đủ về thị trường Trung Quốc và thay đổi tư duy một cách tích cực hơn.

Cần nhân rộng phạm vi các địa phương có quy hoạch dài hơi về định hướng doanh nghiệp chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch. Cụ thể, một số địa phương đã thực hiện tốt chủ trương này của Chính phủ và gặt hái được một số hiệu quả nhất định, trong đó có thể kể đến như Bắc Giang, Hải Dương, Sơn La. Được sự quan tâm và quyết liệt trong quy hoạch chuyển đổi của tỉnh, mùa vụ vải thiều của Hải Dương và Bắc Giang mặc dù cho sản lượng hàng trăm nghìn tấn nhưng việc xuất khẩu quả vải sang thị trường trọng điểm là Trung Quốc và các thị trường khác luôn đạt được những hiệu quả tích cực.

Bài cuối: Cần giải pháp đột phá thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới - Ảnh 3.

Thương vụ Việt Nam xúc tiến cơ hội hợp tác thương mại với Trung Quốc – Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam Nông Đức Lai đứng thứ hai từ phải

Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc khuyến nghị, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao hiểu biết về thị trường, tìm hiểu kỹ thị trường trước khi thực hiện hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc thông qua các kênh thông tin chính thống, có uy tín (các bộ, ngành liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đại sứ quán Việt Nam và các cơ quan đại diện khác của Việt Nam tại Trung Quốc).

Các bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng phía Trung Quốc đẩy nhanh quá trình hoàn tất các thủ tục mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản có thế mạnh, sớm được xuất khẩu chính thức sang thị trường Trung Quốc; chú trọng công tác thu hút đầu tư vào các dự án gia công chế biến nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu hàng nông sản; đẩy mạnh và sáng tạo trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức tới doanh nghiệp, địa phương (đặc biệt là các địa phương có hàm lượng nông, thủy sản xuất khẩu nhiều) về quy định, yêu cầu và những thay đổi trong chính sách của thị trường Trung Quốc.

Đối với địa phương, cần quan tâm và quyết tâm hơn nữa trong việc định hướng, hướng dẫn và thay đổi thói quen xuất khẩu của doanh nghiệp; tích cực phối hợp với bộ, ngành có liên quan tổ chức hội thảo phổ biến kiến thức về thị trường xuất khẩu trong đó có thị trường Trung Quốc; tổ chức các hội thảo phổ biến kinh nghiệm (phối hợp với các địa phương như Bắc Giang, Hải Dương, Sơn La…) nhằm đưa sản phẩm nông sản của địa phương xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc.

Các địa phương phía Nam có các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc như quả thanh long, sầu riêng… cũng cần nắm được các khuyến cáo này để bảo đảm đưa đúng sản phẩm có chất lượng xuất sang thị trường Trung Quốc, tránh các rủi ro được dự báo trước.

Chủ động nắm bắt cơ hội

Nhìn từ góc độ cơ quan quản lý cửa khẩu, bà Trần Thị Bích Ngọc, Trưởng ban Quản lý cửa khẩu Quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) cho rằng doanh nghiệp cần chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa trong cách nghĩ, cách quản lý, quy hoạch sản xuất kinh doanh theo hướng “chủ động nắm bắt cơ hội, tích cực tham gia hội nhập”.

“Chủ động, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp xuất khẩu trên nguyên tắc cùng nắm bắt, cùng khai thác thị trường theo câu châm ngôn “Muốn đi nhanh hãy đi một mình; muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Các doanh nghiệp cần thường xuyên giữ mối liên hệ, kết nối với Ban Quản lý cửa khẩu Quốc tế Móng Cái và các ngành khối cửa khẩu TP. Móng Cái để kịp thời trao đổi thông tin, giải quyết các vướng mắc trong quá trình thông quan qua các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn thành phố”, bà Trần Thị Bích Ngọc đề nghị.

Bà Ngọc cũng đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm thống nhất với phía bạn công nhận kết quả kiểm dịch của cơ quan chức năng hai nước, rút ngắn thời gian thông quan.

Với lực lượng hải quan, tiếp tục nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý xuất nhập khẩu hải quan, cán bộ chuyên môn để hạn chế tối đa các ách tắc, tiêu cực trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, các địa phương nên có các trung tâm thương mại xứng tầm để các doanh nghiệp được thường xuyên trưng bày giới thiệu hàng hóa, kết nối các điểm du lịch, người dân đến tham quan, đặt hàng, lan tỏa mạnh mẽ các sản phẩm thương hiệu.

Bài cuối: Cần giải pháp đột phá thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới - Ảnh 4.

Vải thiều Việt Nam và các mặt hàng nông sản có thế mạnh cần được xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc

Trên góc độ giao thương nông sản, thủy sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ đang triển khai các giải pháp trọng tâm như: Đẩy mạnh công tác, phổ biến hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các quy định của Lệnh 248, 249 của Trung Quốc; tích cực hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký mã số doanh nghiệp được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; chỉ đạo UBND các địa phương triển khai sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thủy sản chính ngạch qua vận tải đường biển, đường sắt.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương biên giới hiện đại hóa, điện tử hóa hệ thống thông tin thị trường để kịp thời cung cấp tới các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp về nhu cầu, giá cả, thay đổi chính sách… của thị trường Trung Quốc; phát triển các sàn giao dịch, hình thức thương mại điện tử đối với hàng nông sản, xuất khẩu sang Trung Quốc.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông hộ phải chủ động vùng nguyên liệu và đơn hàng, tránh sản xuất ồ ạt. Một số mặt hàng đã có nghị định thư là yếu tố tích cực của xuất khẩu trong thời gian tới. Để tận dụng cơ hội này, doanh nghiệp, hợp tác xã cần có sự chuẩn bị kỹ đối tác, thông tin nhu cầu thị trường, chủ động đầu tư cho sản xuất, nuôi trồng; cải tiến chất lượng, an toàn thực phẩm, giảm chi phí để nâng cao khả năng cạnh tranh.

Tập trung đầu tư khâu sơ chế, bảo quản, phát triển chế biến nhằm gia tăng giá trị, đa dạng các sản phẩm, trước mắt chú trọng hệ thống kho trữ, bảo quản nông sản tại các Cụm liên kết logistics nông sản dọc hành lang biên giới và các vùng trọng điểm.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng đã nhiều lần nhấn mạnh người nông dân nên bỏ dần tư duy “buôn chuyến”. Thành công của hợp tác giao thương không chỉ dừng ở việc buôn bán có lãi một vài chuyến, mà cần phải tạo ra một hệ sinh thái ngành hàng, cũng như sức lan tỏa trong toàn xã hội, giúp người dân yên tâm sản xuất trên chính cánh đồng của mình.

Đề nghị đàm phán công nhận kiểm dịch giữa hai bên

Ông Nguyễn Anh Tài, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn kiến nghị thực hiện nhanh việc chuyển đổi hệ thống hải quan điện tử hiện nay sang hệ thống mới.

Bài cuối: Cần giải pháp đột phá thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới - Ảnh 5.

Ngành hải quan kiến nghị đầu tư xây dựng hệ thống hải quan điện tử mới, giúp cho việc thông quan hàng hóa biên giới trên bộ trong thời gian tới nhanh chóng, thuận tiện hơn

Theo ông Tài, hệ thống hiện tại đã sử dụng được 10 năm trên toàn quốc, khi kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt từ 200-300 tỷ USD, nhưng hiện nay kim ngạch xuất nhập khẩu nước ta đã lên tới hơn 700 tỷ USD, lưu lượng tờ khai xuất khẩu được xử lý trên hệ thống thông quan điện tử cũng gia tăng.

“Do vậy, chúng tôi kiến nghị đầu tư xây dựng hệ thống hải quan điện tử mới, giúp cho việc thông quan hàng hóa  biên giới trên bộ trong thời gian tới nhanh chóng, thuận tiện hơn nữa, theo kịp xu hướng phát triển thương mại giữa Việt Nam-Trung Quốc. Đối với tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi kiến nghị tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, bến bãi, hệ thống cửa khẩu hiện đại hơn, ứng dụng công nghệ số trong kiểm tra giám sát phương tiện vận tải qua lại biên giới”, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn nói. 

Bên cạnh đó, ông Tài cho biết 80% lượng hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc quả cửa khẩu Tân Thanh-Pò Chài và được thực hiện theo hình thức thương mại biên giới, mỗi ngày có khoảng 400 xe hàng thông quan qua cặp cửa khẩu này. Năm vừa qua, sản phẩm vải thiều xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc được thông quan rất nhanh chóng nhờ sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa hai bên.  

Hiện nay, Trung Quốc đang thực hiện kiểm soát nông sản nhập khẩu theo quy định mới, chỉ những loại nông sản chỉ định mới được xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Do hai bên chưa có hiệp định về kiểm dịch nên 100% hàng nông sản Việt Nam sang Trung Quốc đều phải qua kiểm dịch của cơ quan kiểm dịch Trung Quốc. Vì vậy hiệu suất thông quan phía Trung Quốc chưa được thuận lợi, dẫn đến hiệu suất thông quan chung của cả hai nước còn hạn chế.

Cục Hải quan Lạng Sơn kiến nghị các bộ, ngành tích cực đàm phán với phía Trung Quốc để xây dựng Hiệp định công nhận lẫn nhau về kiểm dịch, giúp cho nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc được thuận lợi hơn.

Bài cuối: Cần giải pháp đột phá thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới - Ảnh 6.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, cần nhận diện đúng, trúng, kịp thời và đánh giá đúng cả thời cơ lẫn thách thức về thị trường Trung Quốc hiện nay mới có thể khai thác, phát huy các lợi thế trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, góp phần làm cho hai nền kinh tế tiếp tục bổ trợ cho nhau để phát triển bền vững

Hợp tác thương mại sẽ thúc đẩy hợp tác đầu tư

Về những giải pháp lâu dài, theo PGS. TS Nguyễn Anh Thu – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), cần tăng cường cơ chế trao đổi chính sách kinh tế vĩ mô và cơ chế trao đổi chính sách giữa các tỉnh biên giới hai nước; các địa phương cần rà soát lại các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, xác định các định hướng lớn gắn kết hoạt động trao đổi thương mại với phát triển sản xuất, kinh tế, đô thị tại địa phương.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc là một trong những mục tiêu ưu tiên trong chính sách kinh tế đối ngoại nước ta.

“Tuy nhiên, Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính như trước, không phải hàng hóa nào thị trường Trung Quốc cũng chấp nhận. Mặt khác, kinh tế Trung Quốc dù lớn nhưng chủ yếu vẫn xuất khẩu, vì Trung Quốc đã và đang sẽ là công xưởng của thế giới. Mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc rất tương đồng với Việt Nam, điều này vừa tạo ra lợi thế và thách thức đối với hàng hóa Việt Nam” – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định và cho biết thêm, khi Trung Quốc mở cửa lại hoàn toàn nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân rất lớn, vì vậy, hàng hóa của Việt Nam có thêm nhiều cơ hội vào thị trường này.

Bên cạnh những cơ hội khi Trung Quốc mở cửa lại nền kinh tế, người đứng đầu Bộ Công Thương cũng lưu ý đến việc cạnh tranh hàng xuất khẩu ra các thị trường truyền thống của Việt Nam sẽ không dễ dàng. Mặt khác, nguyên liệu phục vụ cho các ngành sản xuất xuất khẩu của nước ta vẫn còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc.

“Trung Quốc có thể tận dụng, khai thác được lợi thế của Việt Nam khi Việt Nam là thành viên đầy đủ của 16 FTA và sẽ còn nhiều hơn trong tương lai với những ưu đãi đặc biệt. Khi đó, doanh nghiệp hai nước, đặc biệt là doanh nghiệp Trung Quốc sẽ có nhiều tiềm năng, lợi thế để có xuất xứ hàng hóa, ưu đãi về thuế đối với thị trường đông dân này”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định.

Theo Bộ trưởng, chúng ta cần nhận diện đúng, trúng, kịp thời và đánh giá đúng cả thời cơ lẫn thách thức về thị trường Trung Quốc hiện nay mới có thể khai thác, phát huy các lợi thế trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, góp phần làm cho hai nền kinh tế tiếp tục bổ trợ cho nhau để phát triển bền vững. Qua đó thực hiện được nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, nhất là các thống nhất, nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào cuối năm 2022 và cuộc điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường của Thủ tướng Phạm Minh Chính đầu năm 2023./.

Hồng Sâm-Phương Liên

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.