Tỷ giá USD trên thế giới trong tuần qua

Chỉ số USD Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt đứng ở mức 101,67, giảm 0,15%.

 Biểu đồ biến động Chỉ số DXY trong tuần qua. Ảnh: Marketwatch.

Trong phiên giao dịch đầu tuần, đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một tuần so với các loại tiền tệ chính khác, do các nhà đầu tư tiếp tục định giá việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay, sau khi tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách vào tuần tới. Ngoài Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng sẽ có cuộc họp vào tuần tới và cũng dự kiến sẽ nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (bps), thậm chí 50 điểm cơ bản.

Tuy nhiên, đồng bạc xanh đã tăng vào phiên giao dịch sau đó và đạt mốc 101,84 trong bối cảnh thị trường dấy lên những lo ngại xung quanh lĩnh vực ngân hàng và triển vọng của nền kinh tế toàn cầu. Theo một cuộc khảo sát của Conference Board hôm 25-3 cho thấy, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã từ mức 104,0 trong tháng 3, xuống mức 101,3 – mức thấp nhất trong 9 tháng vào tháng 4. Trong khi đó, Chỉ số sản xuất của Cục dự trữ liên bang Richmond của Mỹ cũng xác lập đà giảm tháng thứ 4 liên tiếp trong tháng 4.

Mặc dù vậy, một lần nữa chỉ số DXY lại giảm nhẹ vào ngày 27 và 28-4 bởi những dữ liệu kinh tế mới cho thấy sự sụt giảm trong nền kinh tế Mỹ, trái ngược với triển vọng kinh tế khả quan của châu Âu. Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản khi các nhà hoạch định chính sách kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày vào ngày 3-5, và sau đó có khả năng sẽ tạm dừng chiến dịch tăng lãi suất. Thêm vào đó, xuất hiện thông tin cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ yếu hơn dự kiến trong quý đầu tiên. Cụ thể, trong một cuộc khảo sát của Reuters, các nhà kinh tế đã dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng với tốc độ 2,0%. Ước tính trước về GDP trong quý đầu tiên cho thấy tỷ lệ hàng năm sẽ đạt khoảng 1,1%. Nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ 2,6% trong quý IV.

Tại phiên giao dịch cuối cùng của tuần, đồng USD quay đầu tăng nhẹ trở lại, đạt mốc 101,67, sau khi dữ liệu mới công bố cho thấy lạm phát tăng trong tháng 3, mặc dù với tốc độ chậm hơn, khiến Fed vẫn kiên quyết tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách tiền tệ vào tuần tới. Cụ thể, Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tăng 0,1% trong tháng 3, sau khi tăng 0,3% trong tháng 2. Trong 12 tháng tính đến tháng 3, chỉ số giá PCE đã tăng 4,2%, trước đó chỉ số này đạt mức tăng 5,1% trong tháng 2. Sau dữ liệu lạm phát, thị trường kỳ hạn lãi suất đã định giá 90% cơ hội Fed tăng 25 điểm cơ bản vào tuần tới.

Trong khi đó, đồng Euro tăng 1,5% so với đồng yên ở mức 150; và giảm 0,1% so với đồng bạc xanh, xuống còn 1,1017 USD. Đồng tiền Nhật Bản cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9-2008 so với đồng Euro và mức thấp nhất trong bảy tuần so với đồng USD.

Tỷ giá USD hôm nay 30-4: Đồng USD giảm nhẹ trong tuần qua. Ảnh minh họa: Reuters. 

Tỷ giá USD trong nước hôm nay

Trên thị trường trong nước, vào cuối phiên giao dịch 30-4, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng 5 đồng, hiện ở mức: 23.639 đồng.

* Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào – bán ra giữ nguyên ở mức: 23.450 đồng – 24.770 đồng.

Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại mua vào và bán ra như sau:

Tỷ giá USD

Mua vào

Bán ra

Vietcombank

23.290 đồng

23.630 đồng

Vietinbank

23.270 đồng

23.690 đồng

BIDV

23.301 đồng

23.601 đồng

* Tỷ giá Euro tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào – bán ra giảm nhẹ ở mức: 24.784 đồng – 27.392 đồng.

Tỷ giá Euro tại các ngân hàng thương mại mua vào và bán ra như sau:

Tỷ giá Euro

Mua vào

Bán ra

Vietcombank

25.413 đồng

26.568 đồng

Vietinbank

24.065 đồng

26.355 đồng

BIDV

25.406 đồng

26.553 đồng

MINH ANH