Xoài là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh Đồng Tháp khi thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, với diện tích trồng xoài của tỉnh là 14.399ha (sản lượng gần 140.000 tấn/năm), chiếm 33,7% tổng diện tích cây ăn trái của tỉnh, xếp thứ 2 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về sản lượng với các giống xoài chủ lực như: Xoài Cát Chu, Cát Hòa Lộc, Tượng da xanh…
Nhãn hiệu “Xoài Cao Lãnh” đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu và được cấp chỉ số địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm (năm 2019), từng bước xây dựng được thương hiệu, tạo lòng tin với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Ngoài thị trường tiêu thụ trong nước tại các chợ truyền thống, các hệ thống phân phối hiện đại như: Siêu thị, trung tâm thương mại, sàn thương mại điện tử…, xoài Đồng Tháp được cung ứng và xuất khẩu trực tiếp đi nhiều thị trường như: EU, Hoa Kỳ, Úc, Liên bang Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… Đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức sản xuất phát triển ngành hàng xoài theo chuỗi giá trị, hình thành nhiều vùng nguyên liệu sản xuất xoài tập trung quy mô lớn ở huyện: Thanh Bình, Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh; ứng dụng khoa học và công nghệ trong tổ chức sản xuất xoài theo hướng an toàn, bền vững, có gắn kết truy xuất nguồn gốc và liên kết thị trường tiêu thụ; đã có 296 vùng được cấp mã số, với 8.228ha.
Quang cảnh Hội thảo. |
Thảo luận tại hội thảo các đại biểu cho rằng dù có nhiều lợi thế, song việc sản xuất và tiêu thụ xoài vẫn còn một số khó khăn như: diện tích sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, VietGAP, GlobalGAP, được cấp mã số vùng trồng còn quá khiêm tốn so với tổng diện tích canh tác xoài; chưa có nhà đầu tư đủ tiềm lực tham gia xây dựng vùng nguyên liệu, chuỗi liên kết tiêu thụ xoài, trong khi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của tỉnh đầu tư, áp dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến và xuất khẩu còn hạn chế, sản phẩm cung ứng ra thị trường chủ yếu dưới dạng tươi, chất lượng đồng đều còn ít, chưa qua sơ chế, chế biến, bảo quản nên khó cạnh tranh trên thị trường; hệ thống logistics chưa phát triển, các cơ sở, công ty còn bị động phụ thuộc vào các đơn vị cung ứng dịch vụ này, giá thành thuê mướn vận chuyển khá cao.
Du khách tham quan mô hình Vườn xoài nhà tôi. |
Xoài Đồng Tháp chủ yếu xuất tươi, chiếm 71%. |
Trong khuôn khổ hội thảo, đại diện Cục Bảo vệ thực vật cũng thông tin đến các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã trồng xoài một số vấn đề liên quan đến thị trường nhập khẩu xoài của các nước trên thế giới; thực thi Lệnh 248 và Lệnh 249 của thị trường Trung Quốc; điều kiện để xuất khẩu xoài sang thị trường châu Á và các định hướng, chính sách hỗ trợ thu mua xoài của tỉnh Đồng Tháp. Trên cơ sở các thông tin trên, theo các đại biểu để thúc đẩy tiêu thụ và xuất khẩu ngành hàng xoài cần tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị kinh tế cao; nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, thích ứng xu hướng ngày càng cao của thị trường.
Tin, ảnh: THÚY AN