Báo cáo Xuất nhập khẩu năm 2022 đã được Bộ Công Thương công bố chiều 27-4. Đây là năm thứ 7 liên tiếp Bộ Công Thương biên soạn và xuất bản báo cáo.  

 Báo cáo Xuất nhập khẩu năm 2022 đã được Bộ Công Thương công bố chiều 27-4. 

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam là tài liệu chính thức của Bộ Công Thương về tình hình xuất nhập khẩu của từng nhóm mặt hàng, thị trường, tình hình tận dụng các cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do (FTA) và việc quản lý hoạt động xuất nhập khẩu.

Những năm qua, Báo cáo Xuất nhập khẩu được đánh giá là đã cung cấp thông tin minh bạch, có hệ thống và được các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức nghiên cứu và đào tạo quan tâm, tín nhiệm và đánh giá cao. Hơn nữa, các đối tượng thụ hưởng để có kế hoạch, hoạch định xuất nhập khẩu và thị trường.

Đặc biệt, Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2022 có một số nội dung mới như thông tin về Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam đến năm 2030; cập nhật về kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tình hình gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của một số nền kinh tế, tình hình phê chuẩn Hiệp định CPTPP; một số điểm mới trong triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hoạt động xuất nhập khẩu…

Theo Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2022, 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước năm 2022 lần lượt là TP Hồ Chí Minh có kim ngạch 47.545.537.771 USD; Bắc Ninh 45.062.954.539 USD; Bình Dương 34.332.291.545 USD; Thái Nguyên 29.880.822.193 USD; Hải Phòng 24.956.949.890 USD; Đồng Nai 24.600.045.278 USD; Bắc Giang 22.628.594.217 USD; Hà Nội 17.131.320.127 USD; Phú Thọ 11.800.308.391 USD; Hải Dương 10.461.101.116 USD.

Ngược lại, 10 tỉnh có kim ngạch xuất khẩu thấp nhất lần lượt là: Lai Châu 20.468.841 USD, Sơn La 21.801.054 USD, Bắc Kạn 33.466.825 USD, Điện Biên 42.686.980 USD, Ninh Thuận 46.223.574 USD, Cao Bằng 60.200.126 USD, Hà Giang 88.014.734 USD, Đắk Nông 111.800.984 USD, Tuyên Quang 137.569.864 USD, Quảng Bình 196.610.302 USD.

 Việt Nam cũng ghi nhận mức tăng trưởng ở tất cả các nhóm mặt hàng trong năm 2022. Ảnh minh họa

Nói về ý nghĩa của Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh, Bộ Công Thương luôn chú trọng cập nhật thông tin về tình hình thị trường xuất khẩu để các doanh nghiệp có thể nắm bắt, xuất khẩu hiệu quả.

Mặc dù năm 2022, hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra trong bối cảnh đặc thù của diễn biến tình hình kinh tế – xã hội trên thế giới và những ảnh hưởng của việc tăng giá nguyên liệu, sự đứt gãy nguồn cung cũng có những tác động không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, với kết quả xuất nhập khẩu của năm 2022 cho thấy Việt Nam đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận. Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt mức 730 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu đạt 371,3 tỷ USD và có mức tăng trưởng hai con số so với năm 2021.

Đồng thời, Việt Nam cũng ghi nhận mức tăng trưởng ở tất cả các nhóm mặt hàng trong năm 2022. Đặc biệt là năm 2022 cũng là năm thứ 7 liên tiếp có cán cân thương mại thặng dư với mức xuất siêu ở trên 10 tỷ USD.

Theo bà Nguyễn Cẩm Trang, Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam là ấn phẩm thường niên được Bộ Công Thương phát hành từ năm 2016 đến nay. Đây là tài liệu cung cấp cái nhìn tổng quan về hoạt động xuất nhập khẩu, về bức tranh xuất nhập khẩu trong năm.

Cụ thể gồm tình hình xuất nhập khẩu theo từng mặt hàng, theo các thị trường cụ thể, đồng thời cũng là cái nhìn tổng quan về tất cả những hoạt động quản lý nhà nước, cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong năm đó.

Sau 6 năm ban hành, Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam đã nhận được những phản hồi rất tích cực từ các đối tượng thụ hưởng là các hiệp hội, các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp, đây sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích để các doanh nghiệp nắm được các thông tin về tình hình thị trường, về tình hình mặt hàng cũng như những cơ chế chính sách quản lý xuất nhập khẩu, để có cái hoạch định, có những kế hoạch sản xuất, kinh doanh, nhất là xuất khẩu. 

THẢO NGUYÊN