(Chinhphu.vn) – Tại các cửa khẩu của Lạng Sơn, hoạt động xuất nhập khẩu đã sôi động trở lại, lượng hàng hóa có chiều hướng tăng lên. Hải quan Lạng Sơn đang tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hàng hóa xuất nhập khẩu, không ngừng cải cách thủ…
Theo Cục Hải quan Lạng Sơn, từ ngày 8/1/2023, khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, các cơ quan chức năng của Việt Nam và Trung Quốc đã triển khai các giải pháp đồng bộ, bảo đảm nhanh chóng khôi phục thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu trong tỉnh Lạng Sơn như trước khi có dịch bệnh.
Đến nay hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh cơ bản đã dần được khôi phục, nhưng chủ yếu vẫn duy trì qua 5 cửa khẩu: Hữu Nghị, Chi Ma, Tân Thanh, Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng và Cốc Nam; các cửa khẩu phụ, lối mở chưa được thông thương trở lại. Phương thức giao nhận hàng hóa tại các cửa khẩu cũng dần đi vào ổn định, bước đầu đã giảm thời gian, chi phí đáng kể cho doanh nghiệp.
Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn quý I/2023 của tất cả các loại hình xuất nhập khẩu (kinh doanh, quá cảnh, chuyển cửa khẩu, vận chuyển độc lập) đạt trên 10.867,9 triệu USD. Trong đó, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai tại Cục Hải quan Lạng Sơn đạt 867,7 triệu USD (tăng 91% so với cùng kỳ năm 2022).
Có mặt tại Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) – nơi xuất khẩu số lượng lớn hoa quả tươi mỗi ngày, chúng tôi chứng kiến những container chở hàng nông sản nhộn nhịp tiến về cửa khẩu. Bãi xe Bảo Nguyên dành cho hàng trung chuyển xuất nhập khẩu có sức chứa gần 1.000 phương tiện đã kín, nhưng không hề lộn xộn, mất trật tự, trái lại, từng hàng thẳng tắp.
Ông Phùng Văn Ba, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh cho biết, hiểu đặc thù mặt hàng nông sản xuất khẩu, Chi cục Hải quan Tân Thanh luôn chủ động thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đáp ứng mục tiêu tăng năng lực thông quan; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu bảo đảm đúng quy định.
Đặc biệt, đơn vị thường xuyên trao đổi với phía Trung Quốc để nắm thông tin, tình hình liên quan đến công tác quản lý hàng hóa, kịp thời thông tin cảnh báo, hướng dẫn cho các doanh nghiệp Việt Nam chủ động, linh hoạt trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, giúp giảm thiểu tối đa chi phí, thời gian khi thực hiện các hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu, đặc biệt đối với mặt hàng nông sản xuất khẩu.
“Chúng tôi cũng phối hợp với các lực lượng trong địa bàn cửa khẩu tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp để điều tiết phương tiện, bảo đảm hàng hóa không bị ách tắc tại cửa khẩu”, ông Phùng Văn Ba cho biết.
Mặc dù các quy trình thủ tục đã được rút ngắn thời gian tối đa (do đã có hệ thống khai điện tử) nhưng lực lượng hải quan thường xuyên tăng cường làm thêm giờ; nhiều khi xử lý các thủ tục cả trưa để thông quan càng nhiều xe hàng càng tốt, cố gắng để doanh nghiệp, chủ hàng giảm tối đa chi phí bảo quản lạnh, bảo đảm chất lượng để không bị đối tác ép giá.
Ngoài việc tiếp nhận và kiểm tra tờ khai trên hệ thống điện tử cho khoảng 250 xe hàng xuất khẩu và 100 xe hàng nhập khẩu qua cửa khẩu, Hải quan cũng thường xuyên với xử lý giấy tờ chuyên ngành liên quan, giải đáp thắc mắc, hướng dẫn kê khai cho các chủ hàng, đại lý hải quan… khi có yêu cầu.
Tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, bà Hứa Thị Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị cho biết, trong năm 2021, 26 cửa khẩu biên giới đường bộ phía bắc đều gần như đóng băng, chỉ có duy nhất cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị là hoạt động bình thường. Do vậy, lưu lượng hàng hóa của năm 2021 đã dồn về cửa khẩu Hữu Nghị rất nhiều, đã có thời điểm số lượng xe làm thủ tục có thể lên tới 700-800 xe.
Năm 2022, với việc kiểm soát chặt chẽ công tác phòng chống dịch COVID-19 của Trung Quốc, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị trung bình làm thủ tục hải quan cho khoảng 200-250 xe/ngày.
Từ khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu đã trở lại bình thường như trước đây. Hàng hóa xuất nhập khẩu có xu hướng gia tăng. Thời điểm này, Chi cục có thể thông quan cho 500-600 xe/ngày.
“Trong thời gian qua, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các chính sách, văn bản pháp luật mới cho doanh nghiệp. Đặc biệt, chúng tôi tập trung vào việc tăng năng lực thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu như rút ngắn thời gian thông quan, bố trí các cán bộ công chức trong dây chuyền nghiệp vụ thực hiện làm thêm giờ, để bảo đảm 100% các lô hàng xuất nhập khẩu qua cửa khẩu này nếu đã hoàn thiện các thủ tục hải quan theo quy định đều được thực xuất, thực nhập trong ngày”, bà Hứa Thị Hồng cho hay .
Đồng thời Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị cũng phát huy tối đa vai trò của Tổ tiếp công dân và Tổ giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp, bảo đảm mọi vướng mắc của doanh nghiệp dược giải đáp, giải quyết trong ngày.
Ông Nguyễn Anh Tài, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, cho biết, Cục Hải quan Lạng Sơn thực hiện nghiêm các quy định về kỷ luật, kỷ cương hành chính, thái độ, tác phong, đạo đức công vụ, đặc biệt là tại các đơn vị tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp, người dân. Tuyên truyền, tư vấn thủ tục, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tham gia phát triển Hệ thống Đại lý thủ tục hải quan trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và tham gia chương trình tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.
Đồng thời rà soát, đánh giá, kiểm tra các bến bãi, địa điểm kiểm tra tập kết hàng hóa xuất nhập khẩu, kho ngoại quan,… đảm bảo duy trì các điều kiện vận hành khai thác các kho bãi theo đúng quy định của pháp luật hải quan, vừa bảo đảm tạo thuận lợi thương mại vừa đáp ứng yêu cầu phát triển của doanh nghiệp.
Về thủ tục hải quan, toàn bộ thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, công tác thu thuế, quản lý thuế xuất nhập khẩu đã được thực hiện tự động trên hệ thống thông quan tự động Việt Nam (VNACCS). Các đơn vị chức năng của Tổng cục Hải quan và các cục hải quan địa phương kiểm soát chặt chẽ các luồng hàng hóa trên hệ thống.
Hệ thống khai báo hải quan 10 năm nay cơ bản là phi giấy tờ và thực hiện trên mạng Internet kết nối 24/7. Hiện chỉ còn một số thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu là thực hiện bằng giấy tờ và nộp cho cơ quan hải quan để thông quan hàng hóa (do một số thủ tục kiểm tra chuyên ngành do các cơ quan quản lý nhà nước khác chưa thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia,…).
Theo ông Nguyễn Anh Tài, thời gian tới, lượng hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc có thể tăng lên nhưng không nhiều. Do chỉ những trái cây, nông sản của Việt Nam trong danh sách (11 loại) mà Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố mới có thể xuất khẩu vào Trung Quốc sau khi đã đáp ứng được các điều kiện về mã vùng trồng, nhãn hiệu thương mại, cũng như các mã số mà Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp.
Hơn nữa, do chưa có điều ước quốc tế về kiểm dịch thực vật song phương, nên 100% trái cây nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc phải qua kiểm dịch, kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, do đó làm hạn chế năng lực thông quan nhập khẩu tại phía Trung Quốc dẫn đến vẫn tồn đọng một lượng xe hàng không thể đưa sang Trung Quốc ngay cả khi đã hoàn thành tất cả thủ tục xuất khẩu ở Việt Nam.
Đối với nhập khẩu, hàng hóa nhập khẩu qua địa bàn Lạng Sơn sẽ gia tăng trong thời gian tới do nhu cầu gia tăng về nguyên vật liệu và máy móc thiết bị phục vụ sản xuất thi công xây dựng..
Vì vậy, để quản lý tốt hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo thuận lợi trong thông thương hàng hóa, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn tiếp tục rà soát, thực hiện sắp xếp dây chuyền nghiệp vụ, bộ máy tổ chức hải quan tại các đơn vị theo chủ trương, định hướng, lộ trình thực hiện của Tổng cục Hải quan trên cơ sở mô hình hải quan thông minh, phù hợp với địa bàn quản lý và yêu cầu công việc. Trong đó, sắp xếp các dây chuyền công chức xử lý quy trình nghiệp vụ theo hướng tinh gọn, phù hợp với quy trình xử lý tờ khai, quy trình thủ tục hải quan tự động trên các nền tảng số của Tổng cục Hải quan.
Nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát hải quan thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng, khai thác triệt để công nghệ thông tin, các trang thiết bị hiện đại, kết hợp nhuần nhuyễn, đồng bộ, hiệu quả trong công tác nâng cao năng lực cho lực lượng chuyên trách trong lĩnh vực kiểm soát hải quan.
Đặc biệt, chủ động tham mưu đề xuất cho tỉnh Lạng Sơn về các vấn đề như: Thống nhất với chính quyền địa phương phía Trung Quốc về các phương thức giao nhận hàng hóa qua lại các cửa khẩu trên địa bàn; điều tiết phương tiện tham gia vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, xây dựng các trung tâm logistics; tham gia xây dựng các đề án, chính sách thúc đẩy xuất khẩu nông sản qua địa bàn… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu, hàng nguyên liệu, linh kiện điện tử nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước.
Hoàng Giang