(KTSG) – Người xưa nói “sắm trâu tậu nhà cưới vợ” để chỉ ba việc đại sự trong đời người. Quả thật cho đến thời nay, cái sự an cư không bao giờ là dễ dàng. Nhà phải có người ở Ngồi xe trên đường từ Sài Gòn về Đồng…
(KTSG) – Người xưa nói “sắm trâu tậu nhà cưới vợ” để chỉ ba việc đại sự trong đời người. Quả thật cho đến thời nay, cái sự an cư không bao giờ là dễ dàng.
Nhà phải có người ở
Ngồi xe trên đường từ Sài Gòn về Đồng Nai, tôi mở điện thoại đọc tư liệu. Trong Nghị quyết 33 do Chính phủ ban hành ngày 11-3-2023, ở mục b của phần “Quan điểm” có đoạn “nhà ở phải có người ở, muốn có người ở thì phải phát triển sản xuất, kinh doanh công nghiệp dịch vụ, hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ”.
Nhìn ra bên ngoài qua cửa kính xe, cả một vùng trước đây vốn xanh ngắt màu lá cao su, từ thị trấn Trảng Bom về đến thị trấn Dầu Giây, trục đường huyết mạch có nhiều khu công nghiệp, những dãy nhà với hàng trăm căn được xây lên vẫn cửa đóng then cài, cỏ hoang lơ thơ mọc mải miết từ mùa xuân sang mùa hạ.
Và còn nhiều nơi khác nữa. Ngay như ở những chốn thị thành như TPHCM hay Bình Dương, vẫn thấy cái cảnh nhà và đất bỏ không như vậy. Cái mục b trong nghị quyết của Chính phủ ấy là một hiện thực khó chối cãi: nhiều căn nhà vắng bóng chủ nhân, dù rất nhiều người vẫn có nhu cầu về chỗ ở.
Nguyễn Văn Hoàng, một người quê ở Quảng Bình, là thợ điện kỳ cựu của một công ty ở Bình Dương, kể: “Gần 20 năm trước tôi học ngành cơ điện hệ trung cấp. Năm 2005, tôi cưới vợ khi đã có việc làm ổn định. Hai vợ chồng tôi thuê căn phòng 30 mét vuông ở mặt tiền con hẻm nhỏ trong thị trấn. Vợ tôi mở tiệm tạp hóa, còn tôi thường ráng nhận tăng ca, thậm chí kiếm thêm việc bên ngoài, gom góp từng đồng. Tiêu xài tiết kiệm bao năm chúng tôi mới nhắm mua một căn nhà cấp 4 trên miếng đất nhỏ, nhưng chưa kịp vay thêm thì giá nhà đất đã tăng vọt, lại đành ở vậy tích cóp chờ thời”.
Vợ chồng Hoàng chỉ là một trong hàng triệu gia đình xuôi về phương Nam kiếm sống. Họ lặn hụp mưu sinh giữa “đôi bờ cập kênh” của câu chuyện dài: nhà cửa xây lên nhưng để không “trơ gan cùng tuế nguyệt”, trong khi rất nhiều người phải cố gắng bươn chải hàng chục năm trời cho giấc mơ sở hữu một chỗ che mưa nắng. Cái với tay ấy đã bao lần bắt hụt ước mơ, để rồi mải miết vẫn hoàn kiếp thuê trọ!
Năm mươi sáu ngàn và một triệu…
Theo một chuyên gia tại TPHCM, 56.000 là số lượng nhà ở xã hội đã được xây dựng kéo dài trong suốt gần chục năm trên cả nước, trong đó, TPHCM chiếm khoảng một phần tư; còn lại, phần lớn là Hà Nội và các tỉnh phát triển công nghiệp, từ Bắc vô Nam. Còn con số một triệu là chỉ tiêu số lượng nhà ở xã hội đến năm 2030 trong Nghị quyết 33 của Chính phủ, trong đó có nêu thêm vài điều kiện ưu đãi, như chỉ định các ngân hàng cho vay mua nhà với lãi suất thấp hơn từ 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung và dài hạn. Chương trình tín dụng đi kèm với chỉ tiêu ấy là 120.000 tỉ đồng, tương đương với 12% nhu cầu về vốn, để thúc đẩy mạnh mẽ việc lập dự án, xây dựng trong vòng bảy năm…
Các số liệu ấy hiện vẫn đang nằm trên giấy, nhưng sẽ được triển khai, hé mở cánh cửa để giấc mơ về nhà ở cho một triệu gia đình thành hiện thực. Dân số cả nước mới được công bố vừa tròn 100 triệu. Cứ tính bình quân mỗi nhà có bốn người thì với chương trình nhà ở xã hội vừa nêu, trong tương lai sẽ có thêm bốn triệu người hằng chắt bóp tằn tiện trong cuộc mưu sinh sẽ có cơ hội an cư.
Tôi chợt lan man nhớ lại cái ngày tôi được thoát kiếp ở trọ hơn 20 năm trước. Đó là một ngày không thể nào quên. Dù mảnh đất tôi mua xây nhà hơi xa khu vực trung tâm, nhưng tôi cũng đã hoàn thành được một trong các việc “đại sự” của đời người.
Niềm hạnh phúc ấy khi nhớ về, tôi lại mong nhiều người cũng sẽ nhận được nay mai, để họ bớt đi một phần lo toan trong cuộc mưu sinh vất vả ngày ngày!
Kinh tế Sài Gòn Online