Báo cáo tại phiên họp, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, việc xây dựng Luật Đường bộ nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ, vận tải đường bộ.
Dự án Luật Đường bộ tập trung điều chỉnh 3 nhóm chính sách lớn gồm hoàn thiện khung pháp lý về kết cấu hạ tầng giao thông; phương tiện giao thông đường bộ và hoàn thiện khung pháp lý trong hoạt động vận tải đường bộ. Dự thảo Luật Đường bộ gồm 6 chương, 95 điều.
Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chủ trì phiên họp. |
Báo cáo thẩm tra đề nghị xây dựng và thẩm tra sơ bộ nội dung dự án Luật Đường bộ của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội bày tỏ sự nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Đường bộ. Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng, dự án luật này có nhiều quy định liên quan đến trật tự, an toàn giao thông, dễ dẫn đến trùng lắp hoặc chồng chéo phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, do đó cần rà soát chặt chẽ và thống nhất trong quá trình xây dựng 2 dự án luật.
Về các ý kiến liên quan đến thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cũng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo hai cơ quan soạn thảo dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, chưa thay đổi cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Nội dung tiếp thu này đã được Chính phủ khẳng định tại Nghị quyết số 37/2022 về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 3-2022 và thể hiện trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và dự thảo Luật Đường bộ.
Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Đường bộ là cần thiết. |
Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Đường bộ là cần thiết.
Các ý kiến cũng đề nghị làm rõ hơn các quy định về quy định tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông đường bộ trong đô thị; về sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông đường bộ; về quản lý Nhà nước về giao thông đường bộ…
Phát biểu kết luận phiên họp, Trung tướng Lê Tấn Tới đánh giá cao Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, các bộ, cơ quan liên quan đã tích cực nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng luật. Trên cơ sở đó, Trung tướng Lê Tấn Tới đề nghị, Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, giải trình tất cả ý kiến của các đại biểu để bổ sung, làm rõ về sự cần thiết để tăng thêm tính thuyết phục; rà soát lại các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế phối hợp… bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo, trùng lắp.
Tin, ảnh: VŨ DUNG