Hiện nay, nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người thu rất lớn và cấp bách. Theo số liệu báo cáo của Bộ Xây dựng năm 2022 cho thấy, nhu cầu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030 là khoảng 2,6 triệu căn, trong đó, từ năm 2021-2025 là khoảng 1,3 triệu căn. Hiện các địa phương phía Nam đang nỗ lực phát triển nhà ở xã hội, cụ thể như: Trong giai đoạn 2021-2025, Bình Dương phấn đấu phát triển thêm gần 1,9 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội (tương đương khoảng 42.000 căn), Đồng Nai cũng xây dựng khoảng 10.000 căn nhà ở xã hội với 37 dự án về nhà ở cho công nhân, người lao động…
Quang cảnh hội thảo. |
Riêng tại TP Hồ Chí Minh, đến năm 2030, thành phố dự kiến phát triển khoảng 6,58 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội (tương ứng khoảng 93.000 căn). Trong đó, giai đoạn 2021-2025 sẽ phát triển 2,5 triệu mét vuông sàn (khoảng 35.000 căn). Ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh thông tin thêm: “Mới đây, thành phố chỉ có dự án 260 căn nhà ở xã hội tại TP Thủ Đức đưa vào vận hành. Đây là dự án thuộc giai đoạn phát triển 2016-2020, kết quả này đang còn chậm so với mục tiêu phát triển nhà ở xã hội của thành phố”.
Theo ông Phạm Đăng Hồ, nguyên nhân khiến các dự án nhà ở xã hội phát triển chậm là do nhiều khâu thẩm định, kiểm duyệt đối tượng được mua nhà ở xã hội bị kéo dài thời gian dẫn đến nhà đầu tư không mặn mà. Ngoài ra, nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế, tuy dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng trên thực tế thì nhà đầu tư phải làm thủ tục tính toán xong mới được miễn…
Ý kiến tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý tại hội thảo đã cho rằng, nhà ở xã hội là nhu cầu chính đáng và cấp bách của người lao động, người thu nhập thấp, cũng là yếu tố quan trọng giúp bảo đảm an sinh xã hội. Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cần khắc phục nhanh chóng những hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội. Trong đó, các cấp, địa phương cần thay đổi quan điểm, cách tiếp cận vấn đề, xác định rõ nhà ở xã hội là kinh tế xã hội, nghĩa là vẫn làm kinh tế nhưng mục tiêu cao nhất là tính cộng đồng, nhân văn, trách nhiệm xã hội.
Một dự án nhà ở xã hội do Tổng công ty Becamex IDC xây dựng ở Bình Dương. |
Bên cạnh đó, để phát triển nhà ở xã hội, rất cần tạo quỹ đất ở các khu đô thị lớn, xây dựng nhà ở xã hội đúng nơi đối tượng cần, có cơ chế xây dựng nguồn vốn hỗ trợ bền vững, đẩy nhanh thời gian thực hiện thủ tục pháp lý… Đối với nhà ở xã hội, cần có thiết kế linh hoạt, phù hợp với từng địa phương, ứng dụng vật liệu mới, ưu tiên giảm chi phí, giá thành và phải xây dựng thành một hệ sinh thái cho cuộc sống (y tế, giáo dục, thiết chế văn hóa…).
Là một doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng-Thương mại Lê Thành (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Với trách nhiệm của doanh nghiệp, chúng tôi luôn nỗ lực bảo tiến độ, giao căn hộ nhà ở xã hội đúng thời gian cho người mua. Bởi sự chậm trễ của doanh nghiệp, chủ đầu tư thì người mua nhà ở xã hội vừa phải tiếp tục thuê nhà ở, vừa phải đóng lãi vay ngân hàng. Về phía người lao động, bên cạnh kinh phí, cần chuẩn bị tâm lý, điều kiện di chuyển đến chỗ làm việc vì vị trí của nhà ở xã hội không thể nằm ở trung tâm đô thị”.
Các chuyên gia phát biểu tham luận hiến kế phát triển nhà ở xã hội tại hội thảo. |
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh Huy, Phó tổng Giám đốc Tổng công ty Becamex IDC (Bình Dương) cũng nhấn mạnh: “Nhà ở xã hội là một sản phẩm nhà ở mang tính nhân văn nên cần các chính sách phù hợp thu nhập người lao động từng địa phương. Doanh nghiệp đều mong muốn đóng góp cho phát triển nhà ở xã hội nhưng gặp nhiều vướng mắc về pháp lý, nguồn vốn… Vì vậy, các gói kích cầu của Chính phủ phải giải quyết được nguồn vốn. Ngoài ra, các quỹ vay phải có chính sách hỗ trợ người lao động cụ thể hơn, có thể vay dài hạn 25-35 năm mới tiếp cận được nhà ở xã hội”.
Ở góc độ chuyên gia, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ Quốc gia cho rằng: “Việc tháo gỡ các vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội rất cần những chính sách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, phải nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong khu quy hoạch, thủ tục xét duyệt và quỹ đất. Phát triển nhà ở xã hội cần thiết phải được tạo lập nguồn vốn bền vững, đi kèm với phát triển hệ thống thông tin, dữ liệu về nhà ở xã hội”.
Tin, ảnh: HỒNG GIANG