Đó là một trong những nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), tại toạ đàm với chủ đề “Nghị quyết 01 – đột phá hỗ trợ doanh nghiệp” diễn ra tại TP.HCM. Thị trường bất động sản đang rất khó…
Thị trường bất động sản đang rất khó khăn
Tại Toạ đàm với chủ đề “Nghị quyết 01 – đột phá hỗ trợ doanh nghiệp” do Báo Người Lao Động tổ chức, TS. Vũ Tiến Lộc cho hay: “Chúng ta bước vào năm 2023 mà theo báo cáo của Chính phủ là có nhiều thuận lợi, khó khăn nhưng khó khăn nhiều hơn năm 2022. Để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, thu hút dòng tiền trở lại thị trường bất động sản, trước hết phải giải quyết các vấn đề về thể chế và pháp lý, thủ tục hành chánh”.
Ông Lộc dẫn chứng số liệu về thực trạng mà doanh nghiệp đang đối mặt. Cụ thể, theo phản ánh của các doanh nghiệp bất động sản, 70% vướng mắc hiện nay đến từ thủ tục hành chính. “Nếu đúng như vậy thì quan trọng hàng đầu phải là giải quyết vướng mắc thủ tục và thể chế”, ông Lộc nhấn mạnh.
Đồng quan điểm đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) nhận định: “Thị trường bất động sản đang rất khó khăn. 2022 là năm có thể nói khắc nghiệt nhất của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người tiêu dùng bất động sản. Năm 2023 là bản lề, mang tính sống còn của doanh nghiệp bất động sản”.
Chỉ rõ khó khăn của doanh nghiệp, ông Châu cho rằng, 70% đến từ pháp lý.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM
Vị lãnh đạo HoRea nhận định: “Thị trường bất động sản là ngành quan trọng nhất trong nhóm 21 ngành của kinh tế. Bất động sản liên quan tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Sự phát triển của ngành này ổn định sẽ có lợi cho các ngành khác”.
Cũng theo ông Châu, trong những khó khăn thì vướng mắc pháp lý là lý do lớn nhất, cần tập trung tháo gỡ. “Tiêu biểu Nghị quyết 16 của Trung ương, với mục tiêu ghi rõ là đến hết 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật đất đai 2013 và một số luật liên quan để đồng bộ. Ví dụ, Luật đầu tư chỉ ghi phù hợp quy hoạch đô thị nhưng Nghị quyết 21 hướng dẫn luật thì lại hiểu là quy hoạch đô thị phải phù hợp quy hoạch chi tiết 1/500, hay 1/2000. Từ đó gây khó cho chủ trương xin dự án chứ không phải “tự động” được duyệt theo quy định của Luật”, ông Châu lý ví dụ.
Một vướng mắc khác mà ông Châu nêu rõ, đó là doanh nghiệp làm dự án nhà ở xã hội lẽ ra phải được ưu đãi. Cụ thể, Nghị định 100 Chính phủ nêu rõ giảm 70% thuế nhưng Luật Thuế không quy định nên Cục thuế không áp dụng. “Doanh nghiệp đinh ninh mình được giảm nhưng thực tế lại không được giảm dù đã nộp 50% thì doanh nghiệp bị phạt”, ông Châu nói thêm.
Gỡ khó cho doanh nghiệp địa ốc
Ông Lê Hoàng Châu cũng cho hay, hiện tại, Chính phủ đã có nhiều động thái tháo gỡ khó khăn cho bất động sản. Cuối năm 2022, Thủ tướng đã ký các công điện liên tục để tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước ban hành các thông tư tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như miễn giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp cũng như miễn giảm lãi, phí đối với người vay. Trong chuyện cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ là cực kỳ quan trọng.
“Chúng tôi xác định nếu bất động sản phục hồi, lan tỏa sẽ thúc đẩy rất nhiều ngành nghề khác. Thời gian vừa qua, khi nhà thầu dừng triển khai dự án, nhiều công nhân đã mất việc, nhiều doanh nghiệp giảm lương 50% nhân sự, giảm lương 80%. Có doanh nghiệp kiếm vay tiền cho nhân sự lương tháng 13 cũng không có. Nếu năm 2023 này, không có giải pháp hiệu quả cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng sẽ có kết quả không tốt”, ông Châu chia sẻ.
“Tới đây, chúng tôi sẽ đề nghị Ngân hàng Nhà nước xây dựng thông tư riêng trong đó có cho phép cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ. Vì dòng tiền vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp bất động sản. Khi dòng tiền luân chuyển, các bên sẽ có lời mà khởi đầu là từ các doanh nghiệp chủ đầu tư dự án bất động sản. Khi có tiền, dự án được triển khai, người mua có sản phẩm mua thì dòng tiền này quay lại doanh nghiệp”, ông Châu nói.
Về phía doanh nghiệp, ông Châu nhấn mạnh, các doanh nghiệp địa ốc cần phải tự vận động, nỗ lực và cần coi lại chính mình, phải chủ động tái cơ cấu sản phẩm, giảm giá bán. “Có doanh nghiệp giảm 40-50% nhưng chúng tôi cũng yêu cầu họ giảm thực chất chứ không nâng lên rồi giảm giá”.
Ông Châu cho biết: “Chúng tôi cũng đề nghị cơ quan Nhà nước có trách nhiệm giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp. Mục tiêu 2023 sẽ giải quyết 26.000 sổ hồng cho người dân. Năm 2023 khó khăn cần thấu hiểu từ cơ quan Nhà nước, cùng đồng hành để đem lại điều tốt đẹp cho doanh nghiệp, cho người dân”.
Nhịp sống thị trường