Được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2010, nhưng đến nay dự án trung tâm thương mại, chợ, siêu thị và văn phòng cho thuê Xuân La (gọi tắt là dự án chợ Xuân La vẫn “ôm đất” không triển khai khiến người dân bức xúc. Theo UBND TP,…
Sau hơn chục năm vẫn chưa nộp tiền đất khi trúng thầu
UBND TP Hà Nội cho biết, Dự án Trung tâm thương mại, chợ, siêu thị và văn phòng cho thuê Xuân La (gọi tắt là dự án chợ Xuân La) tại phường Xuân La là dự án đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, UBND quận Tây Hồ phê duyệt kết quả đấu thầu năm 2008, đơn vị trúng thầu là Công ty cổ phần Xây dựng Sông Hồng.
Tháng 7/2010, UBND TP cấp Giấy chứng nhận đầu tư với quy mô đầu tư xây dựng công trình cao 5,15,20 tầng và 3 tầng hầm. Tiến độ từ quý III/2010 – quý III 2012. Dự án đã được Thành phố giao đất.
Sau hơn chục năm, đến nay Công ty cổ phần Xây dựng Sông Hồng vẫn chưa nộp nghĩa vụ tài chính khi trúng đấu thầu là hơn 33 tỷ đồng và nghĩa vụ tài chính bổ sung gần 21 tỷ đồng (do nâng tầng). Ảnh: Gia Huy.
Theo Quyết định số 5082 ngày 31/10/2011 của UBND TP về phê duyệt đơn giá thu tiền sử dụng đất làm cơ sở nộp nghĩa vụ tài chính bổ sung của dự án chợ Xuân La, nghĩa vụ tài chính bổ sung nộp ngân sách là gần 21 tỷ đồng (do nâng tầng), nghĩa vụ tài chính khi trúng thầu là 32 tỷ đồng. Công ty cổ phần Xây dựng Sông Hồng có trách nhiệm nộp vào ngân sách khoản tiền sử dụng đất này và nghĩa vụ tài chính do chậm nộp tiền sử dụng đất theo quy định đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Tuy nhiên, theo UBND TP, đến trước tháng 5/2022, Công ty mới thực hiện nộp 13 tỷ vào ngân sách Nhà nước (2 tỷ đồng hoàn trả ngân sách và 11 tỷ đồng hỗ trợ địa phương quận Tây Hồ).
Cũng theo UBND TP, hồi tháng 3/2017, UBND TP đã có Thông báo số 174 đồng ý về chủ trương điều chỉnh mục tiêu đầu tư dự án xây dựng Trung tâm thương mại, chợ, siêu thị và văn phòng cho thuê Xuân La sang đầu tư xây dựng Chợ dân sinh, quy mô sau đầu tư đạt chợ hạng 2. Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng dự án.
Trước nhu cầu bức xúc dân sinh, tháng 4/2021, UBND quận Tây Hồ đã cho xây dựng 1 chợ tạm liền kề khu đất dự án để phục vụ nhân dân.
Chạy theo nhà đầu tư
Để sớm xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, tồn tại của dự án, ngày 2/12/2021 UBND TP chủ trì họp với các sở, ngành liên quan về dự án. Đồng thời, UBND TP đã có nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó UBND TP đã giao các sở, ngành xem xét, giải quyết các tồn tại của dự án.
Tổng hợp ý kiến các sở, ngành, Sở Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo, đề xuất UBND TP giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc thực hiện thủ tục hủy bỏ phương án tổng mặt bằng, phương án kiến trúc đã được chấp thuận tại văn bản số 3272 ngày 5/6/2018 để tiếp tục thực hiện dự án theo quy mô đã được chấp thuận tại văn bản số 2885 ngày 21/10 2009 trước khi thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020.
Dự án Trung tâm thương mại, chợ, siêu thị và văn phòng cho thuê Xuân La “ôm đất” hơn chục năm đến nay vẫn chưa thể triển khai. Ảnh: Ninh Phan.
Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận Tây Hồ, Cục Thuế và các sở, ngành liên quan rà soát, kiểm tra tình hình thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với khoản tiền sử dụng đất chậm nộp tại hồ sơ mời thầu đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật, các khoản phát sinh khác. Trong đó lưu ý giá đất thời điểm trúng thầu và thời điểm nộp tiền để xác định (nếu có). Trường hợp cần thiết xin ý kiến Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế).
UBND quận Tây Hồ chịu trách nhiệm trước UBND TP về tổ chức, sắp xếp lại các gian hàng để đáp ứng tốt nhất cho việc tổ chức hoạt động của chợ Xuân La theo hướng văn minh thương mại, phù hợp với nhu cầu kinh doanh của các tiểu thương và nhu cầu mua sắm của nhân dân trên địa bàn phường; tránh phát sinh khiếu kiện, trường hợp xảy ra khiếu kiện phải trực tiếp xử lý dứt điểm, không để khiếu kiện vượt cấp.
Ngoài ra, UBND TP đã có văn bản số 2910 ngày 7/9/2022 đồng ý về nguyên tắc dự án tiếp tục triển khai và chỉ đạo các sở, ngành thực hiện các nội dung theo đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 3844 ngày 8/8/2022.
Đến nay, Sở Quy hoạch và Kiến trúc đã có văn bản thực hiện thủ tục hủy bỏ phương án tổng mặt bằng phương án kiến trúc đã được chấp thuận tại văn bản 3272 để tiếp tục thực hiện dự án theo quy mô đã được chấp thuận tại văn bản 2885 ngày 21/10/2009.
“Ngày 4/11/2022, Sở Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Tài chính xin ý kiến giải quyết các nội dung liên quan đến nghĩa vụ tài chính của dự án, Công ty cổ phần Xây dựng Sông Hồng đang phối hợp với Bộ Tài chính, các sở, ngành liên quan để giải quyết dứt điểm các tồn tại của dự án, sớm đưa dự án vào thi công”, UBND TP Hà Nội thông tin.
Tiền phong