Bình Dương sẽ xây dựng 1 triệu căn NƠXH. Ảnh: H.C Bình Dương là địa phương đi đầu trong phát triển mô hình nhà ở xã hội (NƠXH), đưa vào sử dụng hàng chục nghìn căn hộ nhưng mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu. Người dân nơi…
Khó tiếp cận
Cử tri ở Bình Dương phản ánh về tình trạng công nhân, người lao động có thu nhập thấp khó tiếp cận việc mua NƠXH để an cư. “Có một thực tế đang diễn ra là nhà ở cho người thu nhập thấp nhưng diện này lại khó tiếp cận. Cháu tôi làm giáo viên, đang ở trọ, nộp hồ sơ hai lần để mua NƠXH nhưng đến nay vẫn chưa mua được. Họ bắt phải chứng minh thu nhập, phải có xác nhận chưa có nhà ở cả quê quán và nơi tạm trú. Tuy nhiên, để được xác nhận không dễ, dẫn đến nản lòng và bỏ cuộc”, bà Nguyễn Thị Lan (ngụ phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương) cho biết.
Quê Nghệ An, anh Trần Văn Công (40 tuổi) đến Bình Dương làm công nhân một Cty gỗ hơn 8 năm. Anh Công đã có vợ và hai con nên muốn định cư lâu dài ở quê hương thứ hai này. “Để thực hiện ước mơ định cư ở Bình Dương, vợ chồng tôi cần có một căn nhà. Với tổng thu nhập 13 triệu đồng/tháng nhưng phải chi nhiều thứ, rất khó tích góp đủ mua đất, xây nhà. Do đó, NƠXH là lựa chọn phù hợp nhất. Tuy vậy, để mua được nhà theo hình thức này không hề dễ, tôi bị trả hồ sơ một lần và đang tìm kiếm cơ hội lần 2”, anh Công nói.
Trong khi đó, anh Trần Hoàng Hà (35 tuổi, quê Hà Nam) đang làm nhân viên văn phòng ở Bình Dương cho biết, vợ chồng vừa mới cưới và ở NƠXH Hòa Lợi (thành phố Thủ Dầu Một). “Thấy bạn bè đăng ký mua NƠXH khó khăn quá, tôi quyết định mua lại nhà theo diện này từ người khác. Giá gốc căn nhà khoảng 180 triệu đồng, nhưng họ bán lại 250 triệu đồng tôi vẫn mua. Tôi cần có nhà để chuyển đổi thường trú, tiện cho con học hành sau này, nếu cứ chờ đăng ký không biết đến khi nào mới có nhà để ở”, anh Hà chia sẻ.
Kiến nghị mở rộng đối tượng
Theo thông tin từ UBND tỉnh Bình Dương, căn cứ suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở và diện tích tăng thêm của các loại nhà ở trong năm 2022, nhu cầu nguồn vốn đầu tư nhà ở toàn tỉnh này cần hơn 22.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, ông Võ Hoàng Ngân – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, tới đây địa phương sẽ xây thêm 1 triệu căn NƠXH để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, theo ông Ngân để hoàn thành 1 triệu căn NƠXH, kiến nghị cấp thẩm quyền có quy định ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư trong quy hoạch và phát triển khu công nghiệp, như quy định phải dành diện tích nhất định xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động.
Lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết thêm, đã kiến nghị Trung ương ban hành cơ chế riêng đối với trình tự, thủ tục thực hiện dự án phát triển NƠXH nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia. Làm rõ quy trình tuyển chọn nhà đầu tư dự án xây dựng NƠXH, trong Luật Nhà ở; Bổ sung cơ chế Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội trong phạm vi dự án. Đối với dự án đầu tư xây dựng NƠXH để cho thuê thì được hỗ trợ toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội.
Bên cạnh đó, Bình Dương kiến nghị đơn giản hóa thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng đối với dự án đầu tư xây dựng NƠXH. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư nhanh chóng triển khai dự án và đưa vào sử dụng. Có cơ chế khuyến khích (về đất đai, tài chính, xây dựng…) đối với hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho thuê (nhà trọ) theo mô hình nhà ở xã hội, để nâng cao chất lượng nhà ở cho thuê, phục vụ tốt hơn chất lượng sống cho người lao động.
Ngoài ra, Sở Xây dựng Bình Dương kiến nghị bán NƠXH cho đối tượng là tổ chức doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp để mua nhằm hỗ trợ nhà ở cho người lao động thay vì chỉ được bán cho cá nhân thuộc đối tượng được mua, thuê, thuê mua NƠXH; Rút gọn các thủ tục hành chính, thời gian phê duyệt dự án và xây dựng các chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn ưu đãi để đầu tư xây dựng.
Tiền phong