Báo cáo tài chính hợp nhất quý III của Vinamilk vừa công bố, cho thấy doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 15.549 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ năm trước. Chi phí giá vốn tăng khiến lợi nhuận gộp trong quý giảm 2%, xuống còn 6.401 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận gộp hơn 41%. Doanh thu và chi phí tài chính đều giảm so với quý III-2023, khiến lợi nhuận sau thuế giảm 5,1%, còn 2.403 tỷ đồng.
Bên cạnh các thị trường truyền thống, Vinamilk đang tiến xa hơn, mở rộng thêm nhiều thị trường mới ở các khu vực như Nam Mỹ, châu Phi, châu Úc… |
Hãng giải thích rằng lợi nhuận quý này giảm do thị trường nội địa gặp khó khăn, một phần do ảnh hưởng của bão Yagi. Tuy nhiên, xu hướng phục hồi vẫn ghi nhận trong 9 tháng đầu năm với mức cải thiện biên lợi nhuận 140 điểm cơ bản, nhờ điều chỉnh cơ cấu sản phẩm và chi phí nhập khẩu ổn định hơn.
Động lực tăng trưởng của doanh nghiệp trong quý III chủ yếu đến từ xuất khẩu, khi doanh thu từ mảng này tăng 10,3% và các chi nhánh quốc tế như Mỹ, Campuchia tăng 8,5%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu từ thị trường nước ngoài đạt 8.349 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ. Các sản phẩm của công ty tiếp tục ghi nhận tăng trưởng hai chữ số nhờ hoạt động marketing và phát triển thị trường hiệu quả.
Trong mảng sữa chua uống, doanh thu từ Probi tăng trưởng gần 30% so với cùng kỳ. Đối với dòng sữa hạt và sữa tươi Green Farm, thị phần tăng trưởng khả quan, dẫn đầu thị trường sữa hạt (không bao gồm sữa đậu nành), với doanh thu 9 tháng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 46.306 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 7.306 tỷ đồng, lần lượt tăng 3,5% và 10% so với cùng kỳ, hoàn thành gần 78% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Tính đến ngày 30-9, tổng tài sản của Vinamilk đạt 57.677 tỷ đồng, trong đó tiền và tương đương tiền chiếm 2.616 tỷ đồng, hàng tồn kho hơn 6.100 tỷ đồng và tiền gửi ngân hàng kỳ hạn gần 26.000 tỷ đồng. Tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng mang về cho hãng hơn 1.041 tỷ đồng tiền lãi trong 9 tháng đầu năm 2024. Nợ phải trả cuối quý III là 22.433 tỷ đồng, trong đó hơn 8.400 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 2.870 tỷ đồng.
Công ty tiếp tục giữ nguyên mục tiêu doanh thu cả năm là 63.163 tỷ đồng, kỳ vọng từ sự hồi phục nhu cầu tiêu dùng nội địa và đà tăng trưởng xuất khẩu, đồng thời tối ưu hóa chi phí sản xuất.
Ngoài ra, hãng này vừa niêm yết chứng chỉ lưu ký “VNM19” trên Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan. Sản phẩm do Công ty Chứng khoán Yuanta (Thái Lan) phát hành, cho phép nhà đầu tư Thái giao dịch cổ phiếu bằng đồng nội tệ và tài khoản chứng khoán hiện có. Điều này mở rộng khả năng tiếp cận nhà đầu tư, tăng cường thanh khoản và cải thiện quản trị doanh nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế.
PHƯƠNG UYÊN