(Chinhphu.vn) – Tính đến ngày 31/10/2023, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối, với xấp xỉ 66.300 doanh nghiệp thực hiện thủ tục. Về Cơ chế một cửa ASEAN, duy trì kết nối chính thức để trao đổi…
Về Cơ chế một cửa ASEAN, duy trì kết nối chính thức để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN.
Với vai trò là Cơ quan Thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899), Tổng cục Hải quan tiếp tục đôn đốc, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại ASEAN.
Trong đó, tiếp tục xây dựng Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN theo định hướng xử lý tập trung và Kế hoạch hành động triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, thúc đẩy công nghiệp logistics và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2023-2026.
Đồng thời phối hợp với Ban thư ký ASEAN và các nước ASEAN để trao đổi chính thức tờ khai hải quan ASEAN theo kế hoạch. Chuẩn bị các yêu cầu liên quan để kết nối thử nghiệm trao đổi chứng nhận kiểm dịch thực vật trong năm 2023. Trao đổi để xây dựng giải pháp, lộ trình kết nối trao đổi chứng từ điện tử giữa ASEAN và các đối tác như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Về triển khai kết nối với đối tác ngoài ASEAN, hoàn thành trao đổi thử nghiệm tờ khai hải quan xuất khẩu với Liên minh kinh tế Á – Âu giai đoạn 1, tiếp tục phối hợp để tiến hành giai đoạn 2.
Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam để triển khai trao đổi thử nghiệm chứng nhận kiểm dịch điện tử với New Zealand.