(Chinhphu.vn) – Đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) giải quyết nhu cầu tín dụng trong dịp cuối năm và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng…
Tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng DN lớn
Agribank dành 20.000 tỷ đồng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng DN, các tập đoàn/tổng công ty có nhu cầu vay vốn ngắn hạn tại Agribank để bảo đảm các hoạt động sản xuất kinh doanh, thu mua hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu… Chương trình với lãi suất ưu đãi nhất năm dành cho các DN lớn đang có nhu cầu mở rộng đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, áp dụng các khoản giải ngân ngắn hạn kể từ ngày 25/9/2023 đến hết ngày 31/12/2023 (hoặc đến khi đạt quy mô chương trình).
Chương trình dành cho DN nhỏ và vừa có nhu cầu bổ sung vốn lưu động thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh. Lãi suất ưu đãi thấp hơn đến 0,7%/năm so với sàn lãi suất cho vay thông thường, tùy theo từng kỳ hạn. Trong đó, ưu tiên các lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy hải sản, nghề muối, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Chương trình kéo dài đến hết ngày 31/12/2023 hoặc đến khi hết ngân sách của chương trình.
Ưu đãi đối với DN thực hiện sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu, nhập khẩu (xuất khẩu gạo, thịt, thuỷ sản, cà phê, nông sản, đồ thủ công mỹ nghệ…; nhập khẩu đồ uống, phân bón, máy móc thiệt bị, xăng dầu, hoá mỹ phẩm, vật liệu xây dựng…). Chương trình kéo dài đến hết ngày 31/12/2023 và áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn với phương thức cho vay đa dạng phù hợp với nhu cầu vốn lưu động của từng DN tham gia chương trình.
Lãi suất ưu đãi của chương trình thấp hơn đến 1%/năm so với sàn lãi suất cho vay hiện hành của Agribank tương ứng đối với từng dải kỳ hạn. Ngoài ưu đãi về lãi suất, các khách hàng tham gia chương trình còn được hưởng ưu đãi hấp dẫn về tỷ giá mua bán ngoại tệ, phí dịch vụ.
Ưu đãi dành cho các khách hàng DN đầu tư vào dự án thuộc 5 ngành nghề trọng điểm, bao gồm chế biến chế tạo, sản xuất và phân phối điện khí đốt (các dự án nguồn điện); vận tải kho bãi; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp/cụm khu công nghiệp; cho vay đầu tư trang trại cho thuê; đầu tư xây dựng nhà xưởng, kho bãi cho thuê.
Ưu đãi áp dụng cho các khoản vay trung và dài hạn với khoản giải ngân kể từ ngày 20/9/2023 đến hết ngày 31/12/2023 (hoặc đến khi hết quy mô chương trình). Cố định lãi suất đến 2 năm đầu đối với các khoản vay trung – dài hạn, mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,3%/năm.
Đối tượng vay vốn theo chương trình là pháp nhân, cá nhân có dự án/phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh lĩnh vực lâm sản (lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan, thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu, chế biến, bảo quản lâm sản) và thủy sản (khai thác, nuôi trồng, thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu, chế biến, bảo quản thủy sản). Thời gian triển khai chương trình kéo dài đến hết ngày 30/6/2024 và có thể kết thúc sớm hơn khi giải ngân đủ ngân sách. Lãi suất ưu đãi của chương trình thấp hơn tối thiểu từ 1% – 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của Agribank trong từng thời kỳ.
Ngoài ra, Agribank còn tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP; chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33/NQ-CP. Tiếp tục phát huy vai trò chủ lực trong cấp vốn tín dụng, Agribank tiếp vốn vay dài hạn cho DN đầu tư trang trại cho thuê nuôi heo; DN triển khai dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp/cụm công nghiệp trên cả nước với thời hạn vay không giới hạn phù hợp với quy mô dự án và phương án của DN.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị triển khai Công điện 990/CĐ-TTg ngày 21/10 của Thủ tướng Chính phủ và đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ dưới sự chủ trì của Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú. Tại Hội nghị, lãnh đạo NHNN khẳng định: Thời gian tới, để triển khai và cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp: Phân bổ nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế, đồng thời tiếp tục tăng cường kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; nỗ lực tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu…
Anh Minh