Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), trong 9 tháng của năm 2023, lưu lượng phương tiện của 4 tuyến cao tốc do VEC làm chủ đầu tư và quản lý khai thác, bao gồm: Nội Bài – Lào Cai, Cầu Giẽ – Ninh Bình, Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây duy trì tăng trưởng ổn định. Công tác quản lý, vận hành khai thác các tuyến cao tốc tiếp tục bảo đảm thông suốt, an toàn, hiệu quả.
Thống kê cho thấy, đến hết tháng 9-2023, các tuyến cao tốc do VEC quản lý khai thác đã phục vụ an toàn hơn 45,3 triệu lượt phương tiện, tăng 12,41 % so với cùng kỳ năm 2022.
Cụ thể, tuyến cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình có lưu lượng xe cao nhất với 15,8 triệu lượt, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2022. Đứng thứ hai về lưu lượng là tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây với 15,4 triệu lượt xe, tăng trưởng 9,65% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai tăng trưởng 21,43% so với cùng kỳ năm 2022 với lưu lượng đạt 12,3 triệu lượt xe. Tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đạt lưu lượng 1,8 triệu lượt xe.
Việc tăng phí trên một số tuyến cao tốc đang được nghiên cứu, xem xét. Trong ảnh: Trạm thu phí trên tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Ảnh: VEC |
Nhu cầu đi lại của người dân liên tục tăng trong 9 tháng của năm 2023. Về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tai nạn giao thông giảm 12 vụ, tuy nhiên tăng 72 vụ va chạm giao thông và tăng 1 người bị thương so với cùng kỳ năm 2022.
Vẫn xảy ra tình trạng người dân xé hàng rào đi vào cao tốc đón xe khách trên một số đoạn thuộc tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Cầu Giẽ – Ninh Bình; vật nuôi từ bên ngoài đi vào cao tốc, mất cắp hàng rào trên tuyến Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây. Để khắc phục tình trạng này, các đơn vị vận hành khai thác trên tuyến đã phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tổ chức đóng, gia cố hàng rào; kiến nghị cấp có thẩm quyền chế tài xử phạt…
Kể từ khi chính thức vận hành, hệ thống thu phí không dừng (ETC) trên 4 tuyến cao tốc của VEC đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, quy trình, quy chuẩn vận hành thu phí ETC và quy trình, quy chuẩn vận hành của hệ thống cân tải trọng cũ không đồng bộ, dẫn đến việc kiểm soát tải trọng phương tiện gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Thời gian tới, trong khi cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện, ban hành hướng dẫn về mô hình tổ chức, quy chuẩn kỹ thuật hệ thống cân tải trọng khi vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng, VEC đã chỉ đạo các đơn vị vận hành bổ sung biển báo chỉ dẫn; tích hợp hệ thống cân cùng hệ thống thu phí ETC; tăng cường ứng dụng công nghệ của hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe phù hợp.
Theo lộ trình tăng phí định kỳ 3 năm một lần căn cứ Quyết định số 2323/QĐ-BGTVT ngày 31-12-2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt phương án tài chính hòa chung dòng tiền của 5 dự án đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư (ngoài 4 tuyến đang khai thác có thêm tuyến Bến Lức – Long Thành đang triển khai xây dựng), hiện nay, VEC đang xây dựng kế hoạch tăng phí sử dụng dịch vụ đường bộ đối với 4 dự án đường cao tốc vào năm 2024 để bảo đảm phương án tài chính cũng như khả năng trả nợ.
MẠNH HƯNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.