1. Đánh giá nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với nhiều thành quả quan trọng đạt được: Từ ngày 15 đến 17-5-2023, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp Hội nghị giữa nhiệm kỳ. Hội nghị đánh giá, trong nửa đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Đất nước ta vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, đã cơ bản thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ: Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.
Quang cảnh Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: TTXVN |
2. Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm và chất vấn thực hiện lời hứa: Tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã hoàn thành việc lấy phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch và nghiêm túc theo đúng nội dung, quy trình, thủ tục.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu để tiến hành lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TRỌNG HẢI |
Cũng tại Kỳ họp thứ sáu, lần đầu tiên trong nhiệm kỳ, Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, bộ trưởng, trưởng ngành về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ tư về giám sát chuyên đề, chất vấn. Trong năm 2023, Quốc hội cũng tiến hành 5 kỳ họp, trong đó có 3 kỳ họp bất thường, nhiều nhất từ trước đến nay.
3. Kinh tế – xã hội có nhiều điểm sáng trong bối cảnh khó khăn: Năm 2023, vượt lên những khó khăn, Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế-xã hội rất ấn tượng. Tăng trưởng Tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả năm đạt 5,05%; lạm phát được kiểm soát ở mức 3,25%. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới.
Hoạt động sản xuất công nghiệp tại nhà máy của Công ty TNHH Dụng cụ An Mi (Hưng Yên). Ảnh: KHÁNH AN |
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ (từ mức BB) với triển vọng “Ổn định”. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm, đầu tư phát triển đạt kết quả rõ nét hơn. Toàn bộ chỉ tiêu kế hoạch về xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, thể hiện rõ bản chất tốt đẹp của chế độ ta, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
4. Nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng, nổi bật, có tính lịch sử: Nổi bật là công tác chuẩn bị và tổ chức đón, tiếp thành công các chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, đồng thời, nâng cấp mối quan hệ với Hoa Kỳ lên đối tác chiến lược toàn diện. Một loạt chuyến thăm và làm việc ở nước ngoài của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã làm sâu sắc thêm quan hệ tốt đẹp với nhiều đối tác quan trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam. Ảnh: TRỌNG HẢI |
Việt Nam cũng tổ chức thành công Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9. Quan hệ đối ngoại của Việt Nam trên bình diện song phương và đa phương tiếp tục được mở rộng, làm sâu sắc hơn. Đến nay, nước ta đã có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và nhiều nước trong nhóm G20; góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; duy trì môi trường hòa bình, ổn định.
5. Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII) ban hành Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Quân đội triển khai nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả “Năm điều chỉnh tổ chức lực lượng”: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có quyết định về việc thành lập Quân đoàn 12 là Quân đoàn chủ lực, cơ động, chiến lược đầu tiên được tổ chức theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, tiến lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Quân đoàn 12 được thành lập trên cơ sở các đơn vị tiền thân có bề dày truyền thống lịch sử vẻ vang của Quân đoàn 1 và Quân đoàn 2.
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trao Quân kỳ Quyết thắng tặng Quân đoàn 12 tại Lễ công bố quyết định thành lập Quân đoàn 12. Ảnh: VIỆT TRUNG |
6. Xuất khẩu nông sản lập kỷ lục, xuất siêu cao nhất từ trước đến nay: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu vẫn ước đạt 683 tỷ USD, xuất siêu khoảng 28 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu nông sản, nhất là các mặt hàng rau quả và gạo lập đỉnh mới với nhiều con số kỷ lục. Cụ thể, nhóm nông sản đạt 24,3 tỷ USD xuất khẩu, tăng 17% so với năm ngoái.
Xuất khẩu rau quả đạt 5,6 tỷ USD, mức cao kỷ lục và vượt xa kế hoạch cả năm là 4 tỷ USD. Xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng lập kỷ lục với hơn 7,7 triệu tấn gạo cho giá trị hơn 4,4 tỷ USD, tăng hơn 36% so với năm ngoái. Hạt gạo Việt đã vượt qua các đối thủ để giành vị trí số 1 cuộc thi gạo ngon nhất thế giới.
Mặt hàng nông sản được bày bán tại hệ thống siêu thị Winmart, Hà Nội. Ảnh: VŨ DUNG |
7. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, giải ngân vốn đầu tư công: Năm 2023 là năm có nhiều đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với việc khởi công 26 dự án. Hoàn thành, đưa vào khai thác 20 dự án, trong đó riêng đường bộ cao tốc có 9 dự án dài 475km, nâng tổng số chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên gần 1.900km.
Đây là năm có nhiều dự án đường cao tốc hoàn thành và khởi công mới nhất trong hơn một thập kỷ qua. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Giao thông vận tải đến hết niên độ kế hoạch năm đạt hơn 95%, góp phần vào kết quả giải ngân chung của cả nước.
Đường cao tốc đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 thuộc trục cao tốc Bắc – Nam được đưa vào sử dụng năm 2023. Ảnh: TẠ HẢI |
8. Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam và lần đầu tiên tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam: Đây là những sự kiện quan trọng tiếp tục cụ thể hóa, triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, đặc biệt là những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Trong đó, các hoạt động chính được tổ chức nhân kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam là hội thảo khoa học cấp Quốc gia; chương trình nghệ thuật đặc biệt; xây dựng phim tài liệu, tổ chức Tuần phim kỷ niệm.
Hội thảo khoa học cấp Quốc gia nhân kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam. Ảnh: TTXVN |
9. Năm đạt nhiều thành tích của thể thao Việt Nam: Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam tham dự Vòng chung kết FIFA World Cup nữ 2023; thể thao Việt Nam lần đầu tiên dẫn đầu bảng tổng sắp khi thi đấu ở nước ngoài tại Đại hội thể thao lớn khu vực Đông Nam Á-SEA Games 32, tổ chức tại Campuchia vào tháng 5-2023. Đây là kết quả ấn tượng, góp phần khẳng định vị thế, tầm vóc mới, đồng thời là bước đà để thể thao Việt Nam hướng tới đấu trường châu lục và Olympic.
Đoàn thể thao Việt Nam đạt nhiều thành tích cao tại SEA Games 32. Ảnh: TIẾN TUẤN |
10. UNESCO vinh danh di sản, thành phố và danh nhân Việt Nam: Năm 2023, vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới tại kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản thế giới, trở thành Di sản thế giới liên tỉnh, thành phố đầu tiên ở Việt Nam.
Một góc quần thể vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Ảnh: PHẠM HÀ |
Hội An, Đà Lạt được công nhận Thành phố sáng tạo UNESCO. Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được UNESCO vinh danh và kỷ niệm nhân 300 năm ngày sinh của ông. Đây là sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp của danh y đối với xã hội, cộng đồng, nhất là tư tưởng nhân văn “sống vì mọi người” và tinh thần “học tập suốt đời”.
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.