Euro tăng do đặt cược ECB sẽ tăng mạnh lãi suất, yen và vàng giảm, bảng Anh lên cao nhất 7 tháng

USD giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 9 tháng so với euro sau khi các quan chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) báo hiệu sẽ thực hiện những đợt tăng lãi suất “khủng”. Đồng tiền chung châu Âu lúc kết thúc ngày thứ Hai (23/1) theo giờ…

Fatz Admin lúc 2023-01-24
Euro tăng do đặt cược ECB sẽ tăng mạnh lãi suất, yen và vàng giảm, bảng Anh lên cao nhất 7 tháng

USD giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 9 tháng so với euro sau khi các quan chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) báo hiệu sẽ thực hiện những đợt tăng lãi suất “khủng”.

Đồng tiền chung châu Âu lúc kết thúc ngày thứ Hai (23/1) theo giờ Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 9 tháng, là 1,0927 USD, trước khi hạ nhiệt về mức 1,0865 USD, vẫn tăng 0,1% so với kết thúc phiên giao dịch liền trước (thứ Sáu, 20/1).

Đồng euro tăng ngay từ những giờ đầu của phiên thứ Hai do những bình luận từ các thành viên hội đồng quản trị của ECB, Klaas Knot và Peter Kazimir. Cả hai vị đều ủng hộ việc ECB sẽ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản thêm 2 lần nữa tại các cuộc họp vào tháng 2 và 3/2023.

Kết quả một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy các nhà phân tích cũng nhận định ECB sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong hai cuộc họp tiếp theo, và mức đỉnh lãi suất của châu Âu sẽ là 3,25% (hiện đang ở mức 2%).

QUẢNG CÁO

Joe Manimbo, nhà phân tích thị trường cấp cao của Convera ở Washington, cho biết: “Điều thực sự thúc đẩy mọi thứ là sự khác biệt trong chính sách của các ngân hàng trung ương”. “Ít nhất là trong chu kỳ hiện tại, thị trường cho rằng giai đoạn Fed (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) tăng lãi suất mạnh mẽ nhất đã qua. Vì vậy, khi bạn cân nhắc triển vọng chính sách của các ngân hàng trung ương, những triển vọng đó sẽ cho thấy đồng đô la đang gặp bất lợi do thị trường đặt cược vào việc Fed sẽ di chuyển chậm hơn so với các đối tác của họ ở nước ngoài”.

Quỹ Fed fund futures nhận định hầu như không có bất cứ cơ hội nào để Fed có thể tăng lãi suất 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng tới, và đồng thời hạ dần mức dự báo về đỉnh lãi suất của Fed xuống xuống 4,75% đến 5,0%, từ mức 4,25% – 4,50% dự báo trước đây.

Các dữ liệu mới nhất về lạm phát, chi tiêu của người tiêu dùng và thị trường nhà ở của Mỹ đều cho thấy dấu hiệu kinh tế giảm tốc.

Các cuộc khảo sát chớp nhoáng về hoạt động kinh tế tháng 1 sẽ được thực hiện trong tuần này, dự kiến sẽ cho thấy sự cải thiện nhiều hơn ở Châu Âu trong bối cảnh chi phí năng lượng giảm so với ở Mỹ.

Ray Attrill, người phụ trách mảng chiến lược ngoại hối của NAB cho biết: “Mỹ đã mất vị trí dẫn đầu về tăng trưởng toàn cầu nếu kết quả hầu hết các cuộc khảo sát PMI gần đây là chính xác”. “Thêm vào đó, lạm phát của Mỹ được cho là đang giảm sâu hơn và nhanh hơn so với dự báo của chính Fed. Theo kịch bản này, USD có thể giảm nhiều hơn nữa trong năm nay.”

Jane Foley, người phụ trách bộ phận chiến lược tiền tệ của Rabobank, cho biết đồng euro cũng đang được hỗ trợ bởi lo ngại suy thoái kinh tế ở châu Âu giảm bớt trong bối cảnh giá khí đốt tự nhiên giảm.

Ông Foley nói: “Sự gia tăng niềm tin vào triển vọng kinh tế, hoặc ít nhất là loại bỏ rất nhiều chủ nghĩa bi quan, là một phần của câu chuyện đồng euro”.

Đồng USD kết thúc phiên 23/1 đã tăng 0,68% so với yên Nhật, lên 130,48 JPY. Tuần trước, tỷ giá cặp tiền này đã biến động dữ dội, dao động từ mức 127,22 JPY đến 131,58 JPY/USD và kết thúc tuần USD đã tăng so với yen sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) giữ nguyên chính sách tiền tệ mà không đảo ngược chính sách cực kỳ nới lỏng của mình như dự đoán của thị trường.

Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 23/1 theo giờ Việt Nam tăng 0,1% lên 102,0983, nhờ USD tăng so với JPY, mặc dù giảm so với EUR.

Ông Manimbo nói: “Ngân hàng Nhật Bản trong tháng này đã phát tín hiệu rằng họ đang do dự trong việc chuyển sang chính sách thắt chặt tiền tệ – mà họ đã thực hiện một chút, làm mất đà phục hồi của đồng yen”.

Các nhà phân tích cho rằng BOJ sẽ giữ nguyên quan điểm của mình ít nhất cho đến là cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng 3, mặc dù có một trở ngại là việc bổ nhiệm thống đốc mới của BOJ vào tháng 2.

Đồng bảng Anh đạt mức cao nhất trong 7 tháng so với đồng USD vào đầu phiên 23/1, tiếp nối xu hướng tăng từ tuần trước bởi bởi dữ liệu cho thấy nền kinh tế Anh đang hoạt động tốt hơn so với những lo sợ trước đây, từ đó thúc đẩy kỳ vọng Ngân hàng trung ương Anh (BOE) sẽ tăng lãi suất nhiều hơn. Tuy nhiên, về cuối phiên, bảng đảo chiều và giảm 0,3% xuống còn 1,23615 USD vào lúc kết thúc phiên 23/1.

Đồng đô la Canada vững chắc ở mức 1,3354 CAD/USD trước khi Ngân hàng Canada sẽ đưa ra quyết định về lãi suất – vào thứ Tư tuần này, với các thị trường kỳ vọng họ sẽ nâng lãi suất thêm 1/4 điểm lên 4,5%.

Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin vững ở mức 22.864 USD vào lúc kết thúc ngày 23/1 theo giờ Việt Nam, sau khi đã tăng 1/3 giá trị từ đầu tháng 1 đến nay, khi các nhà đầu tư rũ bỏ tâm lý bi quan sau sự sụp đổ nổi tiếng của sàn giao dịch tiền điện tử FTX.

Giá vàng giảm do USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, trong khi các nhà đầu tư chờ đợi các dữ liệu kinh tế Mỹ sắp công bố, giữa bối cảnh dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất chậm lại.

Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 23/1 theo giờ Việt Nam giảm 0,7% xuống 1.913,44 USD/ounce, sau khi đạt mức cao nhất kể từ tháng 4/2022 vào thứ Sáu tuần trước; vàng kỳ hạn tháng 2 giảm 0,7% xuống 1.914,60 USD.

Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao của RJO Futures, cho biết: “Lợi suất trái phiếu và đồng USD tăng gây áp lực lên giá vàng”. Tuy nhiên, ông thêm rằng: “Rất nhiều người sẽ bắt đầu tham gia thị trường nếu giá đạt mức hỗ trợ 1.950 USD, bởi khi đó gần như chắc chắn giá sẽ tăng lên mức 2.000 USD”.

Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

Vân Chi

Nhịp sống thị trường

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.