Theo ông Trần Hoàng Sơn, đà tăng của tỷ giá trong thời gian gần đây chỉ khiến chứng khoán điều chỉnh chứ khó giảm sâu và đây cũng là cơ hội để nhà đầu tư tích luỹ cổ phiếu cho chu kỳ tăng mới. Phát biểu tại Hội thảo “Tích…
Phát biểu tại Hội thảo “Tích luỹ vị thế sẵn sàng bùng nổ” do Chứng khoán VPBank tổ chức, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường VPBanks cho rằng bối cảnh vĩ mô còn nhiều khó khăn khi GDP 6 tháng đầu năm chỉ tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% so với cùng kỳ và thấp hơn trong giai đoạn 2011 – 2022. PMI tháng 7 cũng ở mức dưới 50 trong 4 tháng liên tiếp, dù vậy đã có sự mức độ giảm chậm hơn so với trước đó. Hoạt động xuất nhập khẩu cũng đang trên đà hồi phục trong 3 tháng gần đây nhờ việc thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xúc tiến thương mại.
Một điểm sáng rõ rệt là lạm phát ở Việt Nam thấp hơn khá nhiều so với những nền kinh tế lớn trong khu vực. Với sự điều hành lạm phát chặt chẽ, NHNN cũng có dư địa giảm lãi suất mạnh tay trong nửa đầu năm. Nhờ chính sách tiền tệ chuyển từ “chắc chắn” sang “linh hoạt, nới lỏng hơn” đã hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế trong nửa đầu năm. Nhìn lại lịch sử, mỗi khi chu kỳ đỉnh lãi suất diễn ra, lợi suất trái phiếu suy giảm, thị trường chứng khoán sẽ đi lên mạnh mẽ.
“Mặc dù những chính sách vĩ mô tác động tương đối chậm đến nền kinh tế, song xu hướng giảm của lãi suất là biến số quan trọng hỗ trợ tích cực cho đà tăng của thị trường chứng khoán. Lãi suất đã đến cực điểm khi lãi suất liên ngân hàng về mức thấp nhất giai đoạn Covid.”, ông Trần Hoàng Sơn cho hay.
Đây cũng là nguyên nhân lớn khiến chênh lệch lãi suất VND-USD được nới rộng và tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá. Tỷ giá leo thang cũng tác động đến nhịp điều chỉnh của thị trường chứng khoán trong thời gian qua. Tuy nhiên, tỷ giá vẫn đang được NHNN điều hành khá linh hoạt, dự báo dưới 2% trở xuống.
Thống kê 16 năm gần nhất, khi tỷ giá mất giá dưới 1,7% chứng khoán Việt Nam vẫn duy trì đà tăng tốt, giai đoạn tỷ giá dương thì VN-Index tăng trưởng rất mạnh, đơn cử như giai đoạn năm 2016, 2017. Tuy nhiên, khi tỷ giá mất giá vượt 1,7% như năm 2022 thì khả năng chứng khoán sẽ biến động giảm mạnh.
Hiện tại, tỷ giá chỉ mất giá khoảng 1,2-1,4% và vẫn nằm trong khung dao động cho phép. Đà tăng của tỷ giá trong thời gian gần đây chỉ khiến chứng khoán điều chỉnh chứ khó giảm sâu và đây cũng là cơ hội để nhà đầu tư tích luỹ cổ phiếu cho chu kỳ tăng mới. Trích dự báo của nhiều tổ chức lớn, tỷ giá Việt Nam sẽ đạt mức cao nhất trên 24.200 đồng, khả năng tỷ giá quý 3 sẽ “căng” nhưng sẽ hạ nhiệt dần trong cuối năm nay và đầu năm sau.
Đầu tư công là “lực kéo” chính cho nền kinh tế cuối năm
Với dự báo lãi suất đã đạt chạm cực điểm, vị chuyên gia cho rằng động lực hồi phục kinh tế những tháng cuối năm sẽ đến từ đầu tư công. “Trong năm nay giải ngân đầu tư công dự kiến khoảng 800 nghìn tỷ đồng, song hiện vẫn còn 20 tỷ USD cần giải ngân trong 6 tháng cuối năm. Đây là yếu tố tạo sức cầu rất tốt cho nền kinh tế, hỗ trợ cho các ngành nghề phục hồi.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ tiếp tục duy trì mức tốt, song sẽ giảm tốc xuống mức 6% do kinh tế thế giới đi vào pha suy thoái khi lạm phát và lãi suất cao.
Về dự báo lạm phát năm 2023, chỉ số CPI cả năm của Việt Nam được cho là sẽ ở mức 4% do có độ trễ vì nhập khẩu nhiều và năm tới cũng là thời điểm phải chấp nhận tăng một số mặt hàng do nhà nước quản lý. Lãi suất huy động và cho vay sẽ duy trì xu hướng giảm, thúc đẩy hoạt động sản xuất và hỗ trợ nhu cầu tiêu dùng.
Nhịp sống thị trường