Cloud-native có phải là tương lai của ngân hàng số?

Trang báo Forbes nhận định, điện toán đám mây (cloud computing) là một trong những đổi mới quan trọng nhất trong kỷ nguyên thông tin. “Tại Mỹ, vào năm 2020, nếu bạn vẫn đang đánh giá xem có nên di chuyển qua đám mây hay không, thì bạn đã đi…

Fatz Admin lúc 2023-03-03
Cloud-native có phải là tương lai của ngân hàng số?

Trang báo Forbes nhận định, điện toán đám mây (cloud computing) là một trong những đổi mới quan trọng nhất trong kỷ nguyên thông tin.

“Tại Mỹ, vào năm 2020, nếu bạn vẫn đang đánh giá xem có nên di chuyển qua đám mây hay không, thì bạn đã đi sau 90% các công ty. Việc sử dụng đám mây đã là chủ đạo và phần lớn khối lượng công việc của doanh nghiệp đã ở trên đám mây”. 

Nhằm đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng về nhu cầu trải nghiệm và kỳ vọng của khách hàng, xuất phát từ tính cấp thiết trong việc tìm kiếm các giải pháp công nghệ mới, hiệu quả trong việc mở rộng và tối ưu hóa chi phí, VIB là ngân hàng tiên phong hợp tác với nhiều tập đoàn công nghệ lớn trong đó có Microsoft để triển khai hệ sinh thái đa đám mây (multi-cloud) vào năm 2021. Đám mây Azure hiện là nền tảng cho nhiều ứng dụng của VIB, trong đó có MyVIB 2.0 – ứng dụng Mobile banking cloud-native tiên phong tại Việt Nam.

Lý giải về khái niệm cloud-native, đại diện VIB cho biết, đây là một cách tiếp cận trong xây dựng và vận hành các ứng dụng khai thác ưu điểm của mô hình điện toán đám mây. Khi doanh nghiệp xây dựng và vận hành các ứng dụng dựa trên cloud-native, họ có thể triển khai các ý tưởng đến thị trường nhanh hơn và đáp ứng sớm hơn các yêu cầu của khách hàng.

QUẢNG CÁO

Còn theo định nghĩa của The Cloud Native Computing Foundation “Các công nghệ cloud-native cho phép các tổ chức xây dựng và chạy các ứng dụng có thể mở rộng trong các môi trường linh động, hiện đại như public cloud, private cloud và hybrid cloud. Các containers, service meshes (lưới dịch vụ), microservices, immutable infrastructure (cơ sở hạ tầng bất biến) và các API là những minh họa cho cách tiếp cận này.” 

Tháng 12/2019, Ngân hàng nhà nước đã ban hành “Chiến lược phát triển công nghệ thông tin ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030”, xác định mục tiêu đến 2025 sẽ có 60% ngân hàng Việt Nam sử dụng cloud và năm 2030 là 100% các ngân hàng và tổ chức tín dụng sử dụng cloud.

Theo báo cáo tháng 8/2020 của IDC, 40% ngân hàng được khảo sát cho biết đang có kế hoạch chuyển đổi lên môi trường Hybrid cloud trong vòng 12-24 tháng. Tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư 09, cho phép các ngân hàng đưa dữ liệu quan trọng, cấp độ ba, bốn, năm lên cloud nếu đảm bảo những quy định kèm theo.

Có thể nói, đây là thông tư có tính bước ngoặt, đẩy mạnh xu thế lên cloud của ngành ngân hàng. Trước đó, khái niệm cloud đã không còn xa lạ đối với nhiều doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, việc triển khai và ứng dụng hiệu quả công nghệ này vào hoạt động thực tế vẫn còn nhiều hạn chế.

Trong suốt quá trình phát triển, VIB luôn là ngân hàng tiên phong đổi mới, sáng tạo trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ đến khách hàng. Trải qua đại dịch COVID-19, quá trình số hóa đã giúp VIB đảm bảo hoạt động liên tục và cung cấp các giao dịch trực tuyến liền mạch cho người dùng. Kế hoạch dịch chuyển lên cloud đã được ngân hàng chuẩn bị trong một vài năm với yếu tố tiên quyết xuất phát từ mong muốn đáp ứng tốt hơn nhu cầu trải nghiệm và kỳ vọng ngày càng cao của khách hàng trong kỷ nguyên công nghệ 4.0.

Từ trước đó, VIB đã đưa một số ứng dụng lên cloud AWS. Với việc hợp tác với Microsoft, VIB đẩy nhanh việc chuyển và lưu trữ các ứng dụng và nền tảng kinh doanh của ngân hàng lên cloud Azure. Hiện nhiều ứng dụng của VIB đang được triển khai và dự kiến trong 3 năm tới, 60-70% hiệu suất tính toán của ngân hàng sẽ được xử lý trên hạ tầng mới này.

Cloud-native có phải là tương lai của ngân hàng số? - Ảnh 1.

MyVIB 2.0 là ứng dụng ngân hàng di động được phát triển và vận hành trên cloud Azure. Phương thức này cũng phù hợp với chiến lược “Mobile-first, Cloud-first và AI-first” mà VIB đang triển khai. MyVIB 2.0 được thiết kế dựa trên việc kết hợp nhiều micro-service theo kiến trúc mô-đun. Điều này có nghĩa là sửa chữa từng micro-service sẽ không làm gián đoạn chức năng của những micro-service còn lại. Nhờ vậy, ứng dụng được thay đổi hoặc cập nhật nhanh chóng và nhiều lần trong ngày nếu cần thiết mà không làm ảnh hưởng đến quá trình sử dụng dịch vụ của khách hàng. 

Nhờ đó, trong hơn 93% giao dịch của khách hàng VIB được thực hiện trên nền tảng số, MyVIB 2.0 chiếm tỷ trọng khá lớn. Ứng dụng này cũng nhanh chóng cán mốc 1 triệu người dùng chỉ sau 6 tháng ra mắt, đồng thời nhận được nhiều đánh giá tích cực của người dùng.

Một lợi ích nữa của việc chuyển sang điện toán đám mây là nâng tầm bảo mật cho dữ liệu của VIB, nhờ sử dụng Microsoft Azure với hơn 100 chứng chỉ tuân thủ. Dịch vụ bảo mật tiên tiến nhất là Microsoft Sentinel, cung cấp một giải pháp duy nhất để phát hiện tấn công, hiển thị mối đe dọa, chủ động tìm kiếm và xử lý các mối đe dọa bằng cách phản hồi thông minh.

Mức độ bảo mật vượt trội dành cho khách hàng được thể hiện qua các lớp xác nhận và ủy quyền trước khi truy cập vào các tệp và dữ liệu. Điều này nâng cao khả năng phòng chống mã độc tống tiền và đe dọa về an ninh mạng, giúp hệ thống được bảo vệ tốt hơn. Bên cạnh đó, VIB có thể duy trì mức độ bảo mật cần thiết dựa trên nhu cầu của người dùng với đám mây. “Không còn dựa vào các gói bảo mật mà phải mất 12 tháng để triển khai và cần được gia hạn 5 năm một lần, trên đám mây, chúng tôi hiện có thể thực hiện các thay đổi trong một hoặc hai ngày tùy theo nhu cầu hiện tại,” đại diện VIB chia sẻ.

Chuyển sang giải pháp đám mây đồng nghĩa với việc VIB đã giảm đáng kể việc đầu tư chi phí và thời gian vào việc chọn lựa, cài đặt và thử nghiệm các máy chủ truyền thống. Nhờ đó, sự linh hoạt để mở rộng quy mô khi cần thiết cũng tăng lên. Việc sử dụng đám mây cũng giúp VIB gia tăng tính linh hoạt trong việc sử dụng chi phí dành cho lĩnh vực công nghệ thông tin khi dịch chuyển mô hình chi phí từ CapEx sang OpEx. Thay vì dành chi phí cho cơ sở hạ tầng, ngân hàng giờ đây chỉ cần chi trả cho các dịch vụ đám mây cần thiết để bổ sung dung lượng máy chủ, dung lượng lưu trữ hay tăng cường bảo mật.

Chuyển dịch sang nền tảng đa đám mây trong đó có việc xây dựng ứng dụng ngân hàng số cloud-native nằm trong giai đoạn đầu của lộ trình mười năm chuyển đổi tại VIB. Bước tiếp theo sẽ bao gồm hiện đại hóa khối lượng công việc điện toán trên môi trường mới, tăng cường bảo mật và khởi động các dự án về Dữ liệu lớn (Big Data), Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (ioT), v.v. Trong năm 2023, ngân hàng sẽ tiếp tục ứng dụng các công nghệ tiên tiến và chuyên sâu để phát triển các tính năng trên MyVIB 2.0 nhằm tối ưu trải nghiệm người dùng ngân hàng số.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cloud-native không còn là khái niệm công nghệ mà sẽ trở thành xu thế tất yếu tại Việt Nam và trên thế giới giúp doanh nghiệp phục vụ khách hàng tốt hơn, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động. Vì vậy, xây dựng nền tảng ngân hàng số ngay từ ban đầu trên cloud là điều mà các ngân hàng Việt cần cân nhắc để mang lại các giá trị trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng của mình, không chỉ ở thời điểm hiện tại mà còn cả trong tương lai.

Ánh Dương

Tổ quốc

Share
Bài viết bởi

Fatz Admin

Bình luận đã bị đóng.